Nhiều nhà máy tại Phong Điền đang tạo động lực phát triển công nghiệp mạnh |
Thu hút nhiều doanh nghiệp lớn
Hơn 15 năm trước, thời điểm quy hoạch để hình thành khu công nghiệp (KCN), các chuyên gia kinh tế đã “chấm” cho KCN Phong Điền một “điểm 10” vì không chỉ thuận lợi về đất đai, mà còn kết nối thông suốt hệ thống giao thông liên vùng, như nằm cạnh QL1A, đường sắt Bắc Nam…
Với thuận lợi trên, hiện tại, KCN Phong Điền đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến sản xuất, kinh doanh, như Công ty TNHH Scavi Huế; Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế (Phenikaa Huế), Công ty Kanglongda Huế… với vốn đầu tư đăng ký hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho một lượng lao động lớn ở địa phương và vùng lân cận.
Qua hơn 5 năm hoạt động tại KCN Phong Điền, Phenikaa Huế – doanh nghiệp chuyên sản xuất đá cristobalite gốc thạch anh từ nguyên liệu cát luôn giữ được mức tăng trưởng tốt. Phenikaa Huế còn tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương có tay nghề cao, làm việc trong môi trường xanh, sạch, thu nhập tốt, sản xuất hàng hóa chất lượng, đảm bảo các yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính như Pháp, Mỹ, Bỉ.
Mới đây, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố Huế, tại KCN Phong Điền đã diễn ra lễ khởi công hai dự án, gồm chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza và sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương với tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng. Trong đó, dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza do Công ty CP vật liệu CNC Creanza làm chủ đầu tư, có tổng vốn là 2.187 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 12,18ha, công suất thiết kế khoảng 72.000 tấn cristobalite, 1,6 triệu m2 đá thạch anh/năm, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ…
Theo kế hoạch, Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza đi vào hoạt động vào quý 1/2027, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 300-350 lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất các sản phẩm được chế biến sâu từ cát, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, đưa sản phẩm cristobalite, đá thạch anh chất lượng cao của Việt Nam đến thị trường quốc tế và đóng góp cho nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, dự án Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương cũng dự kiến sẽ tạo công việc lâu dài, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách địa phương.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Chủ tịch UBND thị xã Phong Điền, hiện nay, KCN Phong Điền đang phát triển rất tốt và tạo đà cho thị xã Phong Điền dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng về công nghiệp chiếm gần 60%, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, với thu nhập ổn định và hình thành thêm các ngành nghề, thương mại dịch vụ mới hỗ trợ sự phát triển của địa phương.
Tạo cực tăng trưởng mạnh
Quy hoạch thành phố Huế thời kỳ 2021 – 2030 xác định, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, như sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistics, cảng biển, sân bay, đường sắt nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực miền Trung…
Dự phần trong kế hoạch định hướng trên, Phong Điền chú trọng phát triển công nghiệp và đưa công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, trên cơ sở gắn quy hoạch ngành với quy hoạch vùng nhằm tạo tính đồng bộ và tương hỗ lẫn nhau để phát triển.
Ông Hoàng Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Phong Điền cho biết, sắp đến, Phong Điền sẽ phối hợp với các cơ quan của thành phố để mở rộng KCN Phong Điền từ 700ha hiện nay lên hơn 1.200ha theo hướng sản xuất xanh, sạch, hiện đại hóa. Từng bước phát triển sản xuất công nghiệp hiện có, đồng thời, phát triển mạnh các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh, như: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông – lâm sản, công nghiệp dệt may, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí…, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Một lợi thế nữa là phía đông thị xã Phong Điền được quy hoạch xây dựng cảng biển Điền Lộc theo hướng phát triển dịch vụ hậu cần cảng và trung chuyển hàng hóa… Bên cạnh đó, Phong Điền đang tập trung kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) Điền Lộc (27ha) và CCN Điền Lộc 2 (hơn 20ha) tại phường Phong Phú; đầu tư hạ tầng CCN Sơn Xuân Mỹ nằm phía tây Phong Điền hơn 71ha… Đây đều là những lợi thế, động lực thúc đẩy Phong Điền phát triển hơn trong thời gian tới.
Nhờ đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ nên từ KCN đến các CCN và cảng biển Điền Lộc đã kết nối thông suốt liên vùng, nhất là tuyến đường Phong Điền – Điền Lộc dài hơn 16km với kinh phí đầu tư hơn 730 tỷ đồng vừa hoàn thiện cũng là một lợi thế để Phong Điền phát triển lĩnh vực công nghiệp.
“Đồng hành thực hiện tốt các cơ chế chính sách phát triển KCN; tập trung huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN hoàn thiện theo quy hoạch chi tiết, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ở địa phương ngày càng nhiều hơn, quy mô hơn… là định hướng của Phong Điền thời gian tới”, Chủ tịch UBND thị xã Phong Điền Hoàng Việt Cường cho hay.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/phong-dien-se-la-vung-dong-luc-ve-cong-nghiep-152453.html