Mô hình sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân ở Phú Lộc. Ảnh: Quốc Tuấn |
Xu hướng phát triển
Là quốc gia có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, trước những thách thức về việc cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Từ những quyết sách đó, nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ được ứng dụng, mang lại hiệu quả.
Là đoàn thể đại diện cho giai cấp nông dân thành phố, Hội Nông dân (HND) thành phố nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, chuỗi giá trị. Ngày 10/5/2024, Hội Nông dân thành phố ký kết chương trình phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm về hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2024 – 2025 nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Tập đoàn Quế Lâm đã đầu tư xây dựng tổ hợp nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn sinh thái 4F gắn với công tác đào tạo nguôn nhân lực và chuỗi giá trị nông sản hữu cơ, nhằm tạo động lực mới để phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Năm 2024, gần 100 hộ và 4 hợp tác xã của Huế tham gia chuỗi giá trị của Quế Lâm.
Ban Thường vụ HND thành phố chỉ đạo các cấp Hội xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho hội viên, nông dân kiến thức về nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Kết quả, các cấp Hội đã tổ chức 75 lớp tập huấn cho 3.750 hội viên nông dân trên địa bàn thành phố, gồm 25 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng sen; 15 lớp chăn nuôi dê; 35 lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch bưởi da xanh, dưa hấu, hành lá theo hướng VietGAP, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mai cảnh, nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn kiến thức về truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm…
Đồng hành cùng nông dân
Trong năm 2024, HND thành phố đã hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo triển khai thực hiện 9 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho hơn 100 hội viên nông dân với kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 400 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, tăng thu nhập góp phần nâng cao đời sống. HND cấp huyện phối hợp với các ngành hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng được các mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, hữu cơ, làm nhà lưới, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp thông qua vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các tổ chức tín dụng và hỗ trợ xây dựng mô hình với hình thức đối ứng 50% kinh phí.
Với sự đồng hành của các cấp Hội, đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, như trồng sen ở các xã Quảng An (Quảng Điền), Hương Toàn (Hương Trà); trồng lúa hữu cơ ở xã Phú Gia (Phú Vang); trồng dứa ở xã Hương Sơn (Phú Lộc); nuôi ốc bươu đen ở phường Phong Hiền (Phong Điền)…
Thời gian gần đây, nổi lên nhiều tấm gương hội viên nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại, gắn chăn nuôi với trồng trọt, phát triển kinh tế tuần hoàn được Chi hội Nông nghiệp Tuần hoàn miền Trung biểu dương, như hộ các ông Nguyễn Văn Lịch, Hoàng Tiển, Hồ Đăng Định… Một số hội viên là người dân tộc thiểu số ở A Lưới, Phú Lộc, bằng sự siêng năng, cần cù, ham học hỏi đã mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi lợn hữu cơ gắn với trồng chuối, trồng dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, như ông Nguyễn Hải Teo, bà Trần Thị Huệ. Một gương điển hình khác là ông Lê Công Vinh ở Quảng Điền vay vốn, chuyển đổi mùa vụ, trồng dưa hấu hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao đã minh chứng cho hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, đây là vấn đề khó bởi tập quán canh tác cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của nông dân. Vì vậy, cần kiên trì vận động, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật…, kinh phí để nông dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh.
Thời gian đến, HND TP. Huế tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể; lắng nghe tâm tự, nguyện vọng của hội viên, nông dân nhằm tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho hội viên, nông dân; có hình thức hỗ trợ phù hợp các mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, chuỗi giá trị và tuyên dương các gương điển hình. Qua đó, nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn thành phố.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-xanh-huong-phat-trien-ben-vung-150794.html