Tham quan không gian trưng bày mặt nạ tuồng Huế |
Không gian “mở”
“Độc đáo và sống động” là cảm nhận của nhiều du khách khi bước vào không gian này. Hơn 250 mặt nạ tuồng đầy sắc màu, với kích thước 17cm x 22cm và hai mặt nạ lớn (1m x 1,5m) được chế tác tỉ mỉ, công phu bởi các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, tái hiện sinh động các nhân vật tuồng cổ. Mỗi chiếc mặt nạ như kể lại những câu chuyện xưa cũ về các nhân vật lịch sử và văn hóa cung đình qua từng nét vẽ tinh xảo. Đặc biệt, hai mô hình nhân vật Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá trong các vở tuồng kinh điển Sơn Hậu và Tam Nữ Đồ Vương khiến nhiều du khách không khỏi trầm trồ.
Đây là không gian mở, nơi du khách có thể chạm, quan sát cận cảnh từng mặt nạ. Ông Paul Dufresne, đến từ Pháp, chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với sự tinh tế và ý nghĩa của từng mặt nạ. Đây không chỉ là nghệ thuật, mà còn là di sản sống động đưa tôi ngược dòng thời gian về những buổi diễn tuồng cung đình của Triều Nguyễn”.
Mặt nạ tuồng Huế |
Bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế cho biết, không gian này là một phần của đề án “Phục hồi và truyền dạy nghệ thuật kẻ mặt nạ tuồng Huế” năm 2023, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF). Sau thành công bước đầu, Trung tâm đã tiếp tục mở rộng, biến nơi đây thành một điểm đến của giáo dục di sản, mở ra cánh cửa cho thế hệ trẻ tiếp cận và yêu mến loại hình nghệ thuật đặc sắc này. “Chúng tôi muốn không gian này trở thành nơi học sinh, du khách có thể trực tiếp trải nghiệm nghệ thuật kẻ mặt nạ. Qua đó, các em hiểu hơn về giá trị của tuồng Huế, khơi gợi tình yêu với văn hóa dân tộc”, bà Phương chia sẻ.
Câu chuyện về nghệ thuật kẻ mặt nạ cũng là một minh chứng sinh động cho sự phục hồi di sản. Trước đây, Nhà hát chỉ có duy nhất NSƯT La Thanh Hùng nắm giữ bí quyết kẻ mặt nạ. Nhờ dự án truyền dạy, với sự hướng dẫn trực tiếp của NSƯT La Thanh Hùng, hơn 20 diễn viên, nghệ sĩ của đơn vị đã được đào tạo bài bản, đã có thể tự kẻ mặt nạ cho chính mình và đồng nghiệp khi biểu diễn.
Cầu nối quá khứ và hiện tại
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Nguyễn Phước Hải Trung cho rằng, tuồng cung đình Huế không chỉ là một loại hình nghệ thuật sân khấu mà còn là di sản phi vật thể cần được gìn giữ và phát huy. Ông nói: “Mỗi chiếc mặt nạ là một câu chuyện của lịch sử. Cùng với Nhà hát Duyệt Thị Đường – nơi lưu giữ ký ức sống động về nghệ thuật diễn xướng từng làm say đắm giới quyền quý Triều Nguyễn, chúng tôi hy vọng với không gian trưng bày này, di sản tuồng cung đình sẽ tiếp cận được đông đảo du khách trong và ngoài nước”.
Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế biểu diễn trích đoạn tuồng tại không gian trưng bày |
Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên phong trong việc bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống như Noh và Kabuki – hai loại hình sân khấu cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Chính phủ Nhật Bản không chỉ đầu tư kinh phí để duy trì các đoàn nghệ thuật mà còn tổ chức các chương trình trải nghiệm văn hóa Noh và Kabuki cho học sinh, giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn văn hóa dân tộc. Những mặt nạ Noh, giống như mặt nạ tuồng Huế, cũng mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ và được chế tác vô cùng công phu.
Dẫn chứng vậy để thấy, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống không chỉ là giữ gìn di sản văn hóa mà còn là cách kết nối quá khứ với hiện tại. Với những nỗ lực không ngừng, tuồng cung đình đang dần hồi sinh. Huế cũng từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình diễn xướng từng gắn bó mật thiết với đời sống cung đình Triều Nguyễn – “viên ngọc quý” của văn hóa Việt Nam. Từ đây, “Không gian trưng bày mặt nạ tuồng Huế” không chỉ là nơi giữ gìn ký ức quá khứ mà còn là nhịp cầu nối để tinh hoa nghệ thuật tuồng cung đình tỏa sáng trong đời sống đương đại.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/noi-luu-giu-nghe-thuat-tuong-cung-dinh-151028.html