Gừng đen nuôi cấy tại phòng thí nghiệm chuẩn bị đưa ra trồng trong tự nhiên

San sẻ nhọc nhằn cùng nông dân

Không chỉ ở Huế và cũng không riêng giới khoa học, khá nhiều nông dân ở làng đều biết đến cái tên PGS.TS. Trương Thị Bích Phượng. Những công trình nghiên cứu của cô thiên về sinh lý thực vật, di truyền phân tử…, hay nói dân dã, đây là những công trình thiết thân với nhà nông và phục vụ nông dân. Cũng dễ hiểu, vì PGS. Bích Phượng đã có hàng chục công trình suốt mấy chục năm cùng ăn, cùng làm, cùng hái ra tiền với bà con nông dân. Không ít lần chúng tôi hỏi PGS. Bích Phượng tại sao lại “mê” nghiên cứu về cây cỏ, nông nghiệp, nông thôn… thì được chị chia sẻ rất dung dị: “Nông dân đã vất vả nhiều rồi. Là nhà khoa học, mình phải có trách nhiệm san sẻ nhọc nhằn cùng họ và làm sao để nông dân thêm yêu đất, bám vườn làm ra hàng hóa, của cải”. Với quan điểm ấy, trong mỗi đề tài, sản phẩm nghiên cứu, cô đều kết hợp cả hai hướng: Khoa học và ứng dụng ra cộng đồng. Vì làm khoa học nếu chỉ mang tính hàn lâm mà quên đi thực tiễn thì công trình đó xem như chưa thành công.

Gần 20 năm tập trung vào nghiên cứu các đề tài về chuyên ngành công nghệ sinh học, PGS. Bích Phượng cùng các cộng sự đã cho ra hàng loạt sản phẩm khoa học phục vụ bà con. Cô vẫn tâm đắc khi nhắc đến việc tạo ra giống lúa chịu hạn, sản sinh gen kháng bệnh đạo ôn, rồi đến nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh “tiêu điên” trên cây hồ tiêu cho cả vùng trồng Bắc Trung Bộ. Mỗi đề tài, công trình khi hoàn thành đều được đối tác, nông dân tiếp cận.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, hay những đồng nghiệp thân quen như PGS.TS. Hoàng Thị Kim Hồng, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung… đều nể phục tính “mô phạm” trong nghiên cứu khoa học của PGS. Bích Phượng. Ở mỗi đề tài, mỗi công trình nghiên cứu của PGS. Bích Phượng luôn thấy tiềm năng, tính thực tiễn mà cộng đồng kỳ vọng, dù đôi lúc tính kiên trì, nhiệt huyết và “máu” đeo bám đến cùng khiến chị “mất ăn, mất ngủ”.

Mở đường cho dược liệu quý

Sau 1 năm chuyển giao thành công giống gừng sẻ Huế cho hàng trăm hộ trồng ở Thủy Biều, Thủy Bằng (TP. Huế) và quy trình sản xuất gừng chua (lên men) cho Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hoàng Mai, PGS. Bích Phượng tiếp tục hành trình nghiên cứu nhân giống cây gừng đen và chế biến dược liệu từ loài cây này.

Như “rà trúng đài”, PGS. Phượng không giấu sự “ưu ái”, say mê bật mí về giống cây quý, đầy triển vọng này. Bằng sự nhạy cảm với nghề, cô xác định sản phẩm từ gừng đen sẽ là “khắc tinh” để ngăn ngừa, điều trị vi khuẩn HP – nguyên nhân gây ung thư dạ dày đang khá phổ biến. “Khuẩn HP rất dễ lây nhiễm trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày, nên mình rất lo ngại. May mắn trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, mình đã đọc được trong gừng đen có các hoạt chất chữa trị một số bệnh, trong đó có ung thư dạ dày, thế là mình lao vào thực hiện ngay đề tài”, PGS. Phượng chia sẻ.

Khi chúng tôi tò mò về cái tên “gừng đen”, PGS. Bích Phượng cho biết, đây là loài đặc hữu cũng là dược liệu quý của Việt Nam. Theo nghiên cứu, tinh dầu từ lá, thân củ gừng đen chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chữa bệnh: Giãn phế quản ở người, chống co giật, an thần, giảm đau, chống ung thư, bảo vệ dạ dày, kháng nấm, có tác dụng ức chế dòng tế bào ung thư máu HL – 60 ở người, điều trị ho, đau cơ bắp, chấn loạn thần kinh chức năng, bệnh thấp khớp, hen suyễn…

Có nhiều đặc dụng, nhưng gừng đen vẫn là loài hiếm, chỉ mọc tự nhiên, rải rác với số ít dưới các tán rừng tự nhiên. Không để “hàng quý hiếm” mai một, PGS. Bích Phượng và các cộng sự lên rừng tìm kiếm cây mẹ, đem về phòng thí nghiệm nuôi cấy rồi nhân giống bằng giâm hom. Cây gừng đen mà nhóm đang nghiên cứu là giống D. citrea lá xanh, sau đó sẽ tiếp tục với giống D. orlowil lá tím. Qua nghiên cứu hóa học, loài lá tím này cho nhiều dược chất nhất trong nhóm 4 loài thuộc họ gừng đen.

Đến nay, người dân thôn Tân Mỹ và Hội Thiên nhiên vì cuộc sống xã Phong Mỹ (Phong Điền) cùng nhau trồng hàng ngàn mét vuông cây gừng đen dọc bìa rừng, ven suối. Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng đang trồng hơn 1.000m2 cây gừng đen theo tiêu chuẩn VietGAP và sắp tới sẽ nhân trồng lên 8.000m2. Theo dõi sau gần một năm trồng ngoài thực địa, cây gừng đen rất dễ sống, lên xanh tốt. Đây sẽ là tín hiệu vui cho người dân, HTX, doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ nhân giống, quy trình trồng, chăm sóc để phát triển đại trà ra các vùng bản địa như Phú Lộc, Phong Điền, A Lưới…

Ngoài đầu ra là tạo vùng nguyên liệu cây gừng đen, tham gia chuỗi đề tài này, PGS.TS. Nguyễn Hiền Trang và PGS.TS. Võ Văn Quốc Bảo, Khoa Cơ khí – Chế biến, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy trình chế biến trà túi lọc gừng đen. Công ty CP Đầu tư phát triển Công Thành sẽ là đối tác tiếp nhận xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm trà gừng đen ra thị trường. Đó chỉ là đối tác bước đầu, kế hoạch liên doanh, liên kết để trồng và chế biến trà dược liệu gừng đen sẽ được mở rộng ra các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh ở Huế.

Đề tài nghiên cứu về nhân giống gừng đen và sản xuất trà dược liệu tuy chưa nghiệm thu, nhưng PGS. Bích Phượng không ngại khi tiết lộ công trình khoa học mới lạ này. Cô và nhóm nghiên cứu kỳ vọng kết quả sẽ mỹ mãn khi sản phẩm dược liệu gừng đen sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp dược và việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người dân. “Chắc chắn, cây gừng đen sẽ “bám rễ” rất sâu không chỉ ở đất Huế, mà còn vươn ra các vùng đất khác. Mình tin cây gừng đen sẽ là cây làm giàu cho bà con”, PGS. Bích Phượng lạc quan chia sẻ.

Hoài Thương