Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: phutho.gov.vn

Theo các nguồn tư liệu, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng khởi nguồn là lớp tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thần núi. Truyền thuyết kể lại, ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh (nay là TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là nơi các Vua Hùng vẫn lên để tiến hành các nghi lễ cúng tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt từ thời kỳ của Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu là Hồng Đức, năm 1470, Hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế”. Đến thời nhà Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Đến thời Vua Khải Định năm thứ hai, năm 1917, đã chính thức lấy ngày 10/3 (âm lịch) làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng. Từ năm 2007, sau khi được Quốc hội phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày mùng 10/3 âm lịch hằng năm một lần nữa được Nhà nước chính thức công nhận trở thành ngày Quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh 22 cho phép “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Và trong dịp về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954, Người đã tưởng nhớ về các vị Vua Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ đó đến nay, lời Bác dặn vẫn luôn được bao thế hệ con cháu dân tộc Việt trong và ngoài nước đồng sức đồng lòng gìn giữ, vun đắp và thực hiện. Điều này được thể hiện rõ nhất qua tinh thần đoàn kết dân tộc luôn là kim chỉ nam xuyên suốt của dân tộc ta, của Đảng ta.

Đất nước ta đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây là một cuộc cách mạng của Đảng ta, nhưng đồng thời các thế lực thù dịch cũng lợi dụng để xuyên tạc, chống phá. Hơn lúc nào hết, hướng về ngày Giỗ Tổ thiêng liêng, một lần nữa chúng ta càng tin tưởng lời dặn dò của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trong bất luận hoàn cảnh nào, phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống luật pháp của nước ta”.

Trong bối cảnh hiện nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương càng có ý nghĩa như “sợi dây tâm linh kết nối quá khứ và hiện tại” để dân tộc ta, đất nước ta phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời Bác Hồ đã dạy.

ĐỒNG VĂN