Tặng quà lưu niệm tại đại hội |
Đến dự đại hội, có ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch HĐLT họ Ngô Việt Nam và các Phó Chủ tịch HĐLT họ Ngô Việt Nam; nguyên lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, địa phương là con dân họ Ngô ở Thừa Thiên Huế.
Đoàn kết, nghĩa tình
Phát biểu tại đại hội, ông Ngô Viết Quýt, Phó Chủ tịch HĐLT họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: Từ năm 1988, ban liên lạc họ Ngô Việt Nam được thành lập; năm 1989 ở Thừa Thiên Huế có nhiều người khởi xướng thành lập ban liên lạc nhưng không thực hiện được do quá nhiều khó khăn.
Mãi đến tháng 4/2024, phái đoàn họ Ngô Việt Nam, nhân chuyến dự đại hội thành lập họ Ngô Quảng Nam – Đà Nẵng đã đến thăm họ Ngô Thanh Thủy Thượng và bày tỏ mong muốn thành lập Hội đồng họ Ngô Thừa Thiên Huế. Với tinh thần tự nguyện vì dòng họ, một số người dân họ Ngô Thanh Thủy Thượng tiến hành khảo sát, kết nối dòng họ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bước đầu nắm được những thông tin cơ bản. Về gia phả các họ có nhiều công phu, ghi chép tương đối đầy đủ, nhiều họ bị thất lạc do thiên tai, điều kiện sinh sống cũng đã có công sưu tầm lại.
Theo khảo sát từ tháng 4/2024 đến nay, toàn tỉnh có hơn 50 nhà thờ họ Ngô, tập trung đông nhất là ở TX. Hương Thủy, tiếp đến là huyện Quảng Điền, Phong Điền, TP. Huế, huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang, TX. Hương Trà với hơn 35 ngàn người, chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh. Thờ phụng tổ tiên, hướng về cội nguồn, gìn giữ truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là một trong những hoạt động được các hội đồng dòng tộc hết sức chú trọng, có tác dụng lớn trong việc giáo dục truyền thống và tri ân tổ tiên.
Tặng hoa chúc mừng đại hội thành công |
Nhiều đóng góp
Với sự quan tâm hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên, gần 25 năm trở lại đây, phần lớn các nhà thờ họ Ngô được tu bổ, nâng cấp từ nguồn kinh phí đóng góp của con cháu.
Ông Ngô Viết Quýt chia sẻ, từ khi có họ Ngô trên đất Thừa Thiên Huế (1558 – Mậu Ngọ), tổ tiên đã khai phá đất đai, xây dựng xóm làng. Chúng ta tự hào có nhiều con cháu trong họ thời kỳ phong kiến, có nhiều chức sắc, học hành đỗ đạt, góp phần xây dựng quê hương đất nước, tiêu biểu như ngài Ngô Phù Quân trở thành Bổn thành Hoàng làng Phù Bài. Ngài Quận Công, đệ nhất Ngô Đại Lang Tôn Thần, tiền khai canh bổn thổ làng Vân Dương… Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ có nhiều con cháu tham gia cách mạng, góp phần giành độc lập cho tổ quốc, có nhiều liệt sĩ hy sinh cho đất nước.
Phát huy truyền thống dòng họ, từ khi thống nhất đất nước đến nay, con cháu họ Ngô góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người tham gia các chức vụ trong Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Nhiều con cháu giữ chức đầu ngành của tỉnh, các chức vụ chủ chốt của tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn…
Họ Ngô Thừa Thiên Huế có truyền thống hiếu học. Nhiều thế hệ các con cháu của họ học hành giỏi, đỗ đạt cao. Tiêu biểu như kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (Ngô Lang Xá) thiết kế Dinh Độc Lập và nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Nhiều con cháu được phong hàm giáo sư, có nhiều con cháu đổ đạt cao ở các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế…
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 13 người; trong đó 1 chủ tịch, 6 phó chủ tịch….Ông Ngô Phước Toàn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Nhiệm vụ đặt ra với nhiệm kỳ này là xây dựng hội đồng họ Ngô thành tập thể vững mạnh, đoàn kết trên tinh thần thường xuyên liên hệ mật thiết giữa hội đồng họ Ngô với họ Ngô trong tỉnh, kịp thời nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý công việc. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, tạo sự ủng hộ của các cấp, các cơ quan, tổ chức, hợp tác chặt chẽ với toàn thể bà con trong họ…
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhieu-cong-hien-cua-ho-ngo-o-thua-thien-hue-148578.html