Ngành du lịch Huế được kỳ vọng tăng trưởng toàn diện; phát triển xanh, bền vững khi Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương và đăng cai Năm Du lịch quốc gia.
Đòn bẩy cho ngành du lịch
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương từ năm 2025. Đây cũng là năm địa phương này được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Huế – Kinh đô xưa, Vận hội mới”.
Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025 là sự kiện văn hóa – kinh tế – xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế kết hợp với Festival Huế 2025, gắn với chương trình kỷ niệm 50 năm Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26.3.1975 – 26.3.2025) và các dịp lễ kỷ niệm lớn khác của cả nước; hưởng ứng, chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
TP Huế được định hình với tư cách đặc thù trên nền tảng bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản. Ảnh: Quảng An
Đồng thời, sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và TP Huế nói riêng; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Doanh nghiệp kỳ vọng cột mốc này là đòn bẩy, vận hội quan trọng để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng tăng tốc, tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam.
Tăng trải nghiệm hút khách
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp lữ hành, một trong những nhiệm vụ mà ngành du lịch Huế cần giải quyết hiện nay là thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch còn thấp. Ước tính khi đến Huế, khách vãng lai theo nhóm gia đình tự đặt phòng sẽ lưu trú trung bình trên 2 ngày, còn khách đi theo tour do công ty lữ hành tổ chức chỉ lưu trú trung bình 1,7 ngày.
Lượng cơ sở lưu trú và phòng nghỉ của tại Thừa Thiên Huế thấp. Tính đến 6 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 893 cơ sở lưu trú, với 14.229 phòng và 22.918 giường. Con số này khiêm tốn hơn nhiều so với số lượng cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng hay Hội An, do đó Huế khó đón các đoàn khách nghỉ dài ngày.
Ngoài ra, số đường bay và tần suất khai thác chuyến bay đến Huế chưa cao, đặc biệt là thiếu chuyến bay thẳng từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, các dịch vụ mua sắm, giải trí chưa phát triển ở quy mô lớn, đặc biệt là dịch vụ và sản phẩm du lịch đêm. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để níu chân du khách lâu hơn, Huế cần thêm các hoạt động trải nghiệm khác biệt, bổ sung dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí vào ban đêm chính là một trong những giải pháp hiệu quả.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, đề xuất giải pháp giúp Huế giữ chân du khách dài ngày hơn: “Xây dựng sản phẩm du lịch ẩm thực Huế từ truyền thống đến cách tân; trải nghiệm di sản như lăng tẩm, Đại Nội Huế vào buổi tối, thưởng thức nghệ thuật cung đình, vui chơi giải trí về đêm… là những giải pháp hữu hiệu”.
Huế vốn là một điểm đến nổi bật về văn hóa ẩm thực, vì vậy du khách đã đến Huế đều muốn trải nghiệm sâu hơn, khám phá những món ăn ngon. Đặc biệt, ẩm thực Huế là cả một kho tàng phong phú với hệ ẩm thực cung đình, hệ ẩm thực chay, hệ ẩm thực dân gian… mà mỗi hệ đã có hàng trăm món với chất liệu, cách chế biến, cách thưởng thức đa dạng.
“Đây chính thế mạnh mà ngành du lịch Huế và các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, lữ hành… cần khai thác để nâng cao trải nghiệm, giữ chân du khách”, ông Hà khẳng định.
Khách quốc tế thích thú khám phá ẩm thực Huế. Ảnh: DPL
Ông Đặng Trung Dũng, đồng sáng lập thương hiệu Vị Việt Nam, kỳ vọng đồng hành cùng Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025 bằng cách đem trải nghiệm ẩm thực mới “đậm chất Huế” tới du khách tại nhà hàng Vị Huế mới khai trương giữa lòng cố đô.
“Chúng tôi cam kết tạo nên trải nghiệm đẳng cấp, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và bảo tồn giá trị ẩm thực cố đô”, ông nói.
Đây là nhà hàng đầu tiên tại Huế đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Du lịch Xanh Việt Nam, thực hành các nguyên tắc như sử dụng nguyên liệu hữu cơ, tươi sạch từ các nhà cung cấp địa phương; chính sách không rác thải (zero waste), giảm thiểu tối đa chất thải nhựa và thực phẩm; tiêu thụ bền vững, đảm bảo quy trình chế biến tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Mô hình nhà hàng zero waste đầu tiên ra đời ở Huế có thể góp phần vào thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững của thành phố.
Phát huy thế mạnh của thành phố xanh
Với hàng loạt danh hiệu “Huế – điểm đến di sản”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa, du lịch ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”, Huế đang hướng trọng tâm trở thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.
Tăng trưởng xanh, bền vững là một trong những điểm mạnh cần được phát huy khi Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngành du lịch địa phương cũng đang tích cực góp phần đưa Huế trở thành thành phố đi đầu trong các đô thị giảm nhựa ở Việt Nam, tăng trưởng xanh, bền vững.
Vừa qua, với dự án dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đang nỗ lực đẩy mạnh các quy tắc giảm nhựa ở điểm di tích, điểm đến du lịch.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch triển khai nhiều giải pháp và tiếp tục ký cam kết “Thực hành giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch”.
Huế đã ra mắt tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long trong năm 2024. Ảnh: Bảo Minh
Dù vậy, doanh nghiệp chỉ ra rằng cần có sự phối kết đồng bộ giữa các cấp, hợp tác liên ngành, liên vùng để xây dựng điểm đến xanh, bền vững.
“Một khó khăn phải kể đến là vấn đề về ngân sách. Để có một cuộc cách mạng xanh, bền vững đồng bộ từ ngành kinh tế, du lịch, văn hóa đến môi trường, Huế cần thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”, ông Đinh Mạnh Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ.
Theo chuyên gia, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp có thể chung tay trong quá trình này. Khi có chủ trương xuyên suốt, vận động xã hội hóa tốt hơn, các doanh nghiệp cùng đầu tư và hỗ trợ, người dân có ý thức hơn về tiêu dùng xanh, sống xanh và chuyển đổi năng lượng xanh…, Huế sẽ có cơ sở vững chắc hơn để phát triển xanh, bền vững khi lên thành phố trực thuộc trung ương.
Ý Yên
Nguồn: https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/nganh-du-lich-ky-vong-khi-hue-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-1442002.html