Từ lúc Phương còn bé xíu, mẹ đã luôn bảo rằng bố bận làm nhiệm vụ đặc biệt ở nơi xa lắm, chỉ đến Giáng sinh khi ông già Nô-en cho bố đi nhờ cỗ xe tuần lộc thì bố mới về nhà được. Phương tin điều đó và tự nhủ rằng, mình phải thật ngoan ngoãn để bố còn yên tâm công tác. Nô-en nào bố cũng mua quà cho Phương và còn viết một bức thư dài nữa. Nhưng Phương chưa một lần được gặp bố, vì đêm Nô-en trời cứ rét căm căm lại lất phất mưa bay, mẹ thường bảo Phương hãy ngủ trước khi nào bố về mẹ sẽ gọi dậy. Vậy mà lần nào Phương cũng ngủ thiếp đi khi tỉnh giấc thì bố đã đi làm xa rồi. Nô-en năm nay Phương quyết tâm sẽ thức cho đến khi bố về.

Giờ học lớp 2 rồi, Phương đã có thể đọc và viết thành thạo. Đêm Nô-en Phương sẽ đọc lại tất cả những bức thư mà bố gửi như thế sẽ không còn buồn ngủ nữa. Và lát nữa khi về đến nhà, Phương sẽ viết thư gửi ông già Nô-en rằng Phương không cần bất kỳ món quà nào hết, chỉ cần ông hãy để bố chơi với Phương lâu hơn mọi lần. Phải viết luôn, nếu không nhiều thư quá, ông già Nô-en sẽ không đọc được.

***

Trong căn phòng nhỏ, tiếng máy may nhịp nhàng, từng đường chỉ đều tăm tắp hiện trên vải. Loan đang may túi vải để các ông già Nô-en đựng quà tặng mùa Giáng sinh. Đợi cho con gái đi học, Loan tạm gác lại công việc còn dang dở, vội vã đến bên chiếc rương gỗ, mở nắp mắt cô va phải một lá thư nhỏ xinh, nét mực hãy còn mới lắm. Cô lần đọc từng nét chữ tròn trĩnh trên trang giấy, tim bỗng đau thắt, nước mắt cứ thế rỉ ra lăn dài trên má. Nhưng Loan giật mình, gạt vội những giọt nước mắt khi Hùng – bạn học của Loan, gọi Loan đầy lo lắng.

Loan ngỡ ngàng nhìn Hùng, ánh mắt và nụ cười của Hùng làm cô thoáng ngượng ngùng. Hùng là bạn học cùng phổ thông với Loan, anh ở trọ cách đây 2 ngõ. Quanh khu này là nơi sinh sống của những người quê nghèo lên thành phố làm thuê, có người làm công nhân trong khu công nghiệp, có người lại bán hàng rong trên phố, cuộc sống tuy thiếu thốn, vất vả nhưng ai sống cũng có tình lắm.

Hùng làm công nhân nhà máy gạch, ngoài giờ làm anh tranh thủ đi giao hàng. Loan ở nhà nhận đồ về gia công, lúc rảnh cô may thú nhồi bông… tranh thủ bán online hễ có khách đặt hàng là cô lại nhờ Hùng đi giao. Gia cảnh nhà Hùng cũng khó khăn lắm, 30 tuổi rồi mà chưa thấy anh tính đến chuyện vợ con. Có người vui miệng tếu táo: “Mải làm ăn thì cũng phải kiếm cô nào mà nên duyên vợ chồng đi thôi, chứ thời buổi con gái ngày càng có giá thêm vài tuổi nữa xác định ế”. Khi đó Hùng lại tít mắt cười bảo: “Vợ chồng là duyên số, có phải muốn là được đâu mấy chị”.

Hùng thường ghé qua nhà thăm mẹ con Phương. Hai chú cháu có vẻ quý nhau lắm. Bé Phương có lần từng bảo ngoài bố ra thì chú Hùng là người hay mua quà cho con nhất. Những món quà nho nhỏ như vài cây kẹo mút, chiếc kẹp tóc hay hộp bút màu… cũng đủ làm bé Phương vui cả ngày. Nhưng hôm nay, món quà là một chiếc váy công chúa. Loan biết hôm nào đi qua cửa hàng quần áo ở đầu ngõ bé Phương cũng dừng lại ngắm nghía bộ váy này. Chị biết con gái thích nhưng không dám mua, những mấy trăm nghìn, quá đắt đỏ so với cuộc sống của mẹ con chị. Bé Phương cũng chỉ dám đứng từ xa ngắm nhìn chứ chưa một lần đòi hỏi. Món quà này làm Loan vừa bất ngờ lại vừa thấy khó xử. Bao năm rồi mà Hùng chẳng thay đổi, vẫn thật thà và chân thành như trước.

Bé Phương đi học về thấy chiếc váy mới được treo nơi góc nhà thì reo lên mừng rỡ:

– Mẹ ơi, chiếc váy đẹp quá, mẹ mua cho con à?

– Không! Là chú Hùng tặng con đó, chú bảo con học giỏi nên chú thưởng.

– Mẹ ơi, sao chú Hùng lại tốt với con thế?

– Chú thương con! Vì con ngoan.

– Con cũng thương chú ấy lắm mẹ ạ!

Niềm vui cùng suy nghĩ ngây thơ của con trẻ khiến lòng Loan bỗng trở nên ấm áp. Cô nhoẻn cười, giá mà thời gian quay trở lại có lẽ cô sẽ gật đầu đồng ý lời tỏ tình vụng về trước khi đi lính của Hùng năm ấy. Phải sau chừng ấy thời gian với bao biến cố xảy ra, cô mới lại nhận ra lời tỏ tình ấy chân thành và dễ thương đến vậy. Nhưng đã quá muộn rồi, giờ đây Hùng xứng đáng tìm được một nửa tốt đẹp hơn Loan của hiện tại.

***

Tiếng chuông nhà thờ vang lên, từng hồi thánh thót, giờ khắc người ta hân hoan đón Chúa giáng sinh, nhắm mắt chắp tay cầu nguyện. Muộn lắm rồi mà bé Phương vẫn chưa ngủ, bé đang ngồi đó bên chiếc rương gỗ, mân mê từng món đồ, bé đọc đi đọc lại từng bức thư mà bố tặng. Vừa thấy mẹ bé đã reo vang:

– Mẹ ơi, mẹ thấy con mặc váy này có đẹp không?

– Ừ, đẹp lắm con!

– Đêm nay con sẽ mặc chiếc váy này và đợi bố về.

Loan lặng người, nhìn vẻ mặt hạnh phúc và háo hức của con mà lòng cô nhói đau. Cô nên làm gì bây giờ, giờ có giải thích cỡ nào cũng chỉ khiến con bé tổn thương. Cô không nỡ…

– Mẹ ơi, sao bố lâu về thế, hay cỗ xe tuần lộc bị hỏng ngang đường rồi ạ?

– Ừ, có lẽ thế – Loan nói mà giọng run run.

– Mẹ ơi, con lo cho bố lắm, đêm nay lạnh quá – Bé Phương vừa nói vừa mếu.

Loan ôm con vào lòng khẽ động viên: – Ngoan nào, bố không sao đâu. Hay là con đi ngủ đi, rồi lúc nào bố về mẹ sẽ gọi.

– Không, hôm nay con phải đợi bố về rồi con mới đi ngủ cơ!

Cảm giác bất lực đè nén tâm hồn người mẹ, Loan thở dài, chợt nghĩ hay là mình nói với con rằng: “Bố đã mất rồi” để con khỏi phải hy vọng, dù gì thì gã đàn ông đó cũng đã bỏ rơi con từ trong trứng nước còn gì, có lẽ thế sẽ tốt hơn. Trước đây vì thương con nên cô đã nói dối rằng bố đi công tác xa lắm, chỉ đêm Nô-en mới được về thăm nhà, bố làm việc cùng ông già Nô-en đi khắp thế giới để tặng quà cho bao trẻ em và làm những điều tốt đẹp. Vì thế cứ đến Nô-en cô lại chuẩn bị quà và viết thư rồi để vào chiếc rương gỗ.

– Mẹ, con kể với mấy đứa bạn con rằng đêm Nô-en nào bố cũng về thăm và tặng quà cho con nhưng bọn chúng không tin, chúng còn bảo con nói khoác. – Bé Phương vừa mếu máo.

– Mẹ, mẹ… xin lỗi! Từng giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má Loan, cô lấy hết can đảm, có lẽ đã đến lúc nên nói sự thật cho con biết rồi.

– Mẹ, có phải con không có bố không, đã có lần con nghe mấy bà ở đầu ngõ nói vậy?

Câu hỏi của bé Phương như mũi kim chạm vào tim người mẹ. Căn nhà bỗng tối sầm lại, cánh cửa phòng đóng phập, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Loan lao ra mở cửa phòng cũng là lúc căn phòng bừng sáng, một ông già Nô-en xuất hiện.

– Xin lỗi con gái, hôm nay tắc đường nên bố về trễ.

Bé Phương ngơ ngác nhìn.

Là Hùng. Loan há hốc miệng ngạc nhiên:

– Hùng định làm gì thế?

Hùng tháo mặt nạ ông già Nô-en, mỉm cười nhìn bé Phương, âu yếm nói:

– Chú biết Phương mong gặp bố lắm phải không? Ông già Nô-en đã gửi lá thư của Phương đến chú. Nếu có thể, chú muốn được Phương gọi một tiếng “bố”, con giúp chú nhé? – Hùng mỉm cười bế bé Phương vào lòng.

Bé Phương khẽ gật đầu đồng ý, ghé tai Hùng thì thầm “bố Hùng”, tiếng nói thật nhỏ nhưng đong đầy cảm xúc. Loan đứng đó như trời trồng, tâm trạng cô rối bời, cô thực sự không hiểu chuyện gì đang diễn ra trước mắt mình. Lấy hết can đảm, cô động viên con:

– Phương ơi, con gặp được bố rồi thì mau ngủ đi con!

– Không, con sợ thức dậy sẽ không được gặp bố nữa.

Hùng âu yếm dỗ dành bé Phương:

– Con gái yên tâm, bố Hùng sẽ không đi đâu, bố sẽ ở bên 2 mẹ con. Bố hát cho con ngủ nhé!

Đôi mắt bé Phương từ từ díu lại, bé ngủ gục trên vai Hùng từ lúc nào không hay. Loan vẫn chưa hết kinh ngạc, cô vồn vã: – Hùng để con bé đấy rồi về đi, cảm ơn Hùng vì đã yêu quý bé Phương đến vậy. Nhưng có lẽ ngày mai khi con dậy Loan sẽ nói sự thật cho con biết.

– Sự thật gì, sự thật là Hùng muốn được làm bố của bé Phương phải không?

Mặt Loan bỗng nóng ran, cô ngại ngùng:

– Thôi, Hùng đừng đùa nữa!

– Hùng không đùa, Hùng thực sự muốn có một gia đình mà ở đó có Loan và bé Phương. Loan đồng ý nhé! – Đôi tay to lớn của Hùng nắm lấy đôi tay đang lạnh buốt của Loan.

Loan xúc động không nói nên lời. Nhưng, đôi tay lạnh buốt đang ấm dần lên.

Trần Tú