“Thanh niên là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng, định hình thành phố Huế trực thuộc trung ương sao cho xứng tầm, mang đậm bản sắc văn hóa, di sản”.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khi nói về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ, các đoàn viên thanh niên trong công cuộc xây dựng thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Buổi đối thoại với thanh niên, không kịch bản
Mở đầu cuộc đối thoại, ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói: “Tôi biết cuộc đối thoại này đã được lên kịch bản câu hỏi từ trước. Tuy nhiên tôi muốn đây sẽ là cuộc nói chuyện, trao đổi thẳng thắn, không có kịch bản. Các bạn trẻ hãy đặt câu hỏi, chúng tôi sẽ trả lời hết sức có thể”.
Được chủ tịch tỉnh mở lời, các bạn trẻ có mặt tại buổi đối thoại đã mạnh dạn đặt ra những câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh.
Anh Đỗ Nguyễn Nhật Trường (đoàn viên phường Phước Vĩnh, TP Huế) hỏi rằng Huế là một trong những địa phương triển khai khá tốt ứng dụng “Đô thị thông minh” với nền tảng phần mềm Hue-S và được người dân hưởng ứng tích cực.
Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, nhiều người dân khu vực nông thôn vẫn chưa thể tiếp cận được ứng dụng này, do hạn chế trong việc sử dụng điện thoại thông minh.
“Sau 5 năm triển khai ứng dụng “Đô thị thông minh”, điều ấn tượng nhất đối với ông là gì và làm thế nào để mọi người ai cũng có thể được sử dụng những tiện ích mà phần mềm mang lại?”, anh Trường đặt câu hỏi cho vị chủ tịch tỉnh.
“Bạn Trường có từng sử dụng phần mềm Hue-S chưa và ấn tượng của bạn là gì? Bạn mong mỏi điều gì hơn ở ứng dụng này?”, ông Phương trả lời bằng một câu hỏi đặt lại cho người đoàn viên trẻ.
“Ứng dụng này hay nhất ở phần phản ánh hiện trường và cập nhật thông tin mưa lũ, thiên tai. Từ đây, tôi và người dân có thể nắm được tình trạng thời tiết, phản ánh những vi phạm giao thông, vi phạm hành chính… trong cuộc sống.
Tuy nhiên phần mềm còn thiếu nhiều thông tin về phong trào Chủ nhật xanh, dọn rác sông Hương… Nếu trong tương lai phần mềm cập nhật thêm những thông tin này thì hay biết mấy”, anh Trường trả lời.
“Đó cũng là điều mà lãnh đạo tỉnh đang mong mỏi và sẽ đầu tư, hoàn thiện ứng dụng này trong thời gian tới. Tỉnh cũng sẽ cố gắng vận dụng tối đa nguồn lực nhằm phổ cập điện thoại thông minh đến toàn bộ người dân, giúp người dân có thể sử dụng mọi tiện ích dịch vụ công trực tuyến”, ông Phương nói.
Thanh niên là nguồn lực, là tài sản của thành phố Huế
Tại buổi đối thoại, hơn 10 câu hỏi được các bạn thanh niên của tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra cho chủ tịch tỉnh và lãnh đạo sở ngành.
Anh Nguyễn Văn Quang, bí thư Đoàn Đại học Huế, hỏi rằng hiện khu ký túc xá hỗ trợ sinh viên của Đại học Huế chỉ có khoảng 5.000 chỗ ở, trong khi đó con số này ở Hà Nội và TP.HCM là hơn gấp 10 lần.
“Huế sắp trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Vậy tỉnh và thành phố tương lai sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ việc ăn ở, học tập của các bạn sinh viên Đại học Huế? Rộng hơn là chính sách thu hút nhân tài về Huế cống hiến, xây dựng quê hương?”, anh Quang hỏi.
Ông Phương nói rằng tỉnh đã cùng Đại học Huế bàn bạc để có những chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng phục vụ việc học tập, đào tạo sinh viên ở Huế. Cụ thể, tỉnh đã có quy hoạch cụ thể về việc xây dựng một khu cư xá phục vụ sinh viên ở phường An Cựu, TP Huế thuộc quy hoạch làng đại học Huế.
“Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư nào có nguồn lực phù hợp để xây dựng, quản lý, vận hành khu cư xá này. Tỉnh cùng Đại học Huế sẽ tiếp tục mời gọi, tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện xây dựng khu cư xá này”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng nói rằng sắp tới tỉnh và thành phố tương lai sẽ tiếp tục nghiên cứu, lập các đề án thu hút nhân tài với nhiều đãi ngộ phù hợp để mời gọi, giữ chân người tài đến Huế làm việc, cống hiến.
“Để hoàn thành được những gì chúng ta đang nói đến cần hơn hết là sự nỗ lực, chung tay, sáng tạo của thế hệ thanh niên toàn tỉnh.
Thanh niên là tài sản, là nguồn lực để thành phố Huế có thể đạt được những mục tiêu đặt ra, xứng danh là thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam”, ông Phương khẳng định.