Làng Lựu Bảo hình thành vào cuối thế kỷ XV, nằm bên dòng sông Bạch Yến nổi tiếng xứ Huế qua ba thế kỷ giữ lửa nghề bánh tráng.
“Ai về Lựu Bảo làm chi
Bánh tráng, bánh ướt gánh đi, gánh về”
Theo dân gian, bánh tráng là món “lương khô” được ra đời trong thời gian chuẩn bị lương thực cho cuộc hành quân thần tốc Bắc phạt của nghĩa quân Tây Sơn. Ngày nay, bánh tráng vẫn là một món ăn rất đặc trưng của người miền Trung.
Những vật dụng cần thiết để làm bánh gồm lò đất, nồi lớn có căng vải dùng để tráng bánh, một cái gáo múc bột, một ống lăng lấy bánh và những chiếc vỉ phơi.
Muốn làm được một mẻ bánh ngon phải trải qua tuần tự các công đoạn: chọn gạo, xay bột, nêm gia vị, tráng bánh, đem phơi… Phần bột cho mỗi chiếc bánh phải vừa vặn; tán bột phải đều tay sao cho chiếc bánh tròn, kích thước vừa đủ. Công đoạn lấy bánh từ lò ra vỉ cũng rất khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tráng và người lấy bánh. Bởi lúc này bánh vẫn còn ướt và dễ bị rách, người lấy bánh phải thật nhẹ nhàng, nâng niu đặt bánh lên mặt vỉ. Nhìn đơn giản, nhưng để có cái bánh đều, đẹp phải học rất lâu.
Bánh ra khỏi lò được phơi dưới nắng mặt trời hoặc mang sấy than vào những ngày mưa. Đến khi bánh dịu lại thì mang vào để trong mát, vì nếu để ngoài nắng hay sấy than quá lâu bánh sẽ bị teo lại, mất đi hình dáng ban đầu và dễ bị vỡ. Sau một thời gian, bánh sẽ tự bung ra khỏi mặt vỉ, khi đó việc lấy bánh rất dễ.
Tùy theo tỷ lệ pha trộn và cách làm, có nhiều loại bánh như bánh tráng mì, bánh tráng gạo, bánh nhúng, bánh nướng hay bánh tráng nước dừa… Có loại có thể nhúng nước ăn ngay, có loại phải nướng chín.
Làng nghề Bánh tráng, Bánh ướt Lựu Bảo, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 717 QĐ-UBND ngày 14/4/2014./.