Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (bìa trái) trao đổi tại buổi tọa đàm

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 là câu chuyện của hàng ngàn năm trước, nhưng không khí tại ngôi nhà cổ bên đường Bạch Đằng buổi chiều ấy thật sôi nổi, “tươi mới” và hiện đại nữa. Có thể nói là “tươi mới” khi diễn giả dẫn ra tư liệu mới đề cao vị thế đặc biệt của khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà nhiều người chưa biết. Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc cho biết:

“Gần đây, khi đọc Thực nghiệp Dân báo, tôi phát hiện hai tư liệu mới về Hai Bà Trưng. Đó là bài của cử nhân Mai Đăng Đệ viết nhân dịp giỗ Hai Bà vào 6-2 âm lịch Nhâm Tuất (1922). Ông cho rằng, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà là một sự kiện lớn không phải chỉ đối với nước ta mà là đối với lịch sử thế giới. Ông dẫn chứng là trong cuốn THẾ GIỚI ĐẠI SỰ NIÊN BIỂU, xuất bản năm 1922 ở Trung Quốc, những người biên soạn ghi nhận năm 40 Công nguyên chỉ có một sự kiện lớn trên thế giới là: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và năm 43 có hai sự kiện là Bà Trưng mất và Đế quốc La Mã đánh Anh quốc. Vậy, Bà Trưng được suy tôn là anh hùng thế giới. Cuộc khởi nghĩa năm 40 đã ảnh hưởng một vùng Ngũ Lãnh rộng lớn phía nam Trung Hoa. (Thực nghiệp, 25-2-1922)”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Hai Bà Trưng là anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Đó là điều không ai tranh cãi. Hơn thế, nhà nghiên cứu còn dẫn một bài viết của cụ Phan Bội Châu, đánh giá rất cao công nghiệp của Hai Bà đối với dân tộc:

“Thử nghĩ hơn một nghìn năm ở trong lịch sử đến bà Trưng Nữ Vương, mới thấy có một người bắt đầu chống cự với nước Tàu, mà khiến cho chúng ta có được cái vinh dự độc lập. Từ đó sắp đi noi theo mới có Triệu Quang Phục, Lý Bí, Ngô Vương Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… mà nước ta mới có chủ quyền một nước…

… Chứng cứ như thế thời bảo Bà Trưng… có công đức lớn với nước Nam ta… tôi nhất định nhận bà Trưng Nữ Vương là thủy tổ. Các nhà sử học trong nước nghĩ sao?” (Ai là tổ nước ta? Tiếng dân số 656, 6/1/1934).

Từ đó, nhà nghiên cứu nêu vấn đề: Thử hỏi, nếu không có khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì diện mạo nước Việt Nam hiện nay ra sao? Và không phải ngẫu nhiên, các nhà cách mạng tiền bối, như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh… đã viết sách, soạn tuồng đặc biệt đề cao Hai Bà Trưng, ngay cả trong tù!… Trong bài gửi riêng cho tôi, Trần Viết Ngạc còn dẫn ra tư liệu chưa phải ai cũng biết: Cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger và 2 tổng thống Hoa Kỳ đến Hà Nội đều nhắc đến Hai Bà Trưng là biểu tượng Việt Nam anh hùng, bất khuất!

Cuộc tọa đàm trở nên sôi nổi, khi nhà nghiên cứu không chú trọng đặt vấn đề “giới tính” nữ trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhưng chủ nhân “Lan Viên Cố Tích” TS. Thái Kim Lan lại “phản biện”: Cần phải nói đến “giới tính” chứ, tiếp theo Hai Bà Trưng, rồi đến Bà Triệu… Chưa hết, một thành viên Câu lạc bộ sinh viên lịch sử đặt một câu hỏi khó cho nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc: Thời Bà Trưng, Bà Triệu, liệu xã hội Việt Nam có chế độ “mẫu hệ” không?…

Như thế là cuộc tọa đàm có tính chất “mở” – đúng với tinh thần “liên văn hóa”, nhất là khi thầy Nguyễn Hữu Lượng nêu vấn đề nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc là người đang sở hữu một khối lượng rất lớn tư liệu lịch sử – đặc biệt là về nhà yêu nước Phan Bội Châu. Liệu có cơ quan nào ở Huế tạo điều kiện để sinh viên, các nhà nghiên cứu tiếp cận được bộ tư liệu quý giá đó không?

Nhân đây, cũng xin được nhắc lại, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc là người bỏ nhiều công sức nhất để công bố tư liệu về doanh nhân – nhà báo Bùi Huy Tín (1875 – 1963). Các văn nghệ sĩ, trí thức Huế – từ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đến nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Châu Phan, Phan Thanh Hải… hẳn còn nhớ, trước khi kết thúc buổi ra mắt cuốn sách “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo & Tràng An báo” tại Huế hơn một năm trước, tác giả Trần viết Ngạc đã đề nghị “Thành phố Huế nên có con đường mang tên Bùi Huy Tín”… Nhờ đó, đến hôm nay, con đường mang tên Bùi Huy Tín vừa hiện diện trên khu phố mới Bàu Vá, không xa đàn Nam Giao bao nhiêu – từ đường Điện Biên Phủ, rẽ qua đường Đồng Khởi, đi một đoạn ngắn là gặp đường Bùi Huy Tín – người đã có công sáng lập nhà in Đắc Lập và chủ trương hai tờ báo có uy tín “Trường An báo” và “Thực nghiệp Dân báo” từ hơn trăm năm trước…

Tuy gọi là cuộc tọa đàm “mở” nhưng đã khép lại với một “hệ quả” rất đáng để các cơ quan hữu quan tham khảo và sớm có kết luận kịp thời. Đó là khi nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc nêu vấn đề: Ngày giỗ Hai Bà là mồng 6 tháng 2 âm lịch, nhưng lâu nay, nhiều nơi lại “kết hợp” kỷ niệm Hai Bà vào ngày 8/3; đó là điều không đúng, không thích hợp với truyền thống dân tộc. Huế đã đi tiên phong trong việc khôi phục mặc áo dài các dịp lễ hội, nên hy vọng Huế sẽ là nơi đầu tiên tổ chức kỷ niệm Hai Bà Trưng vào ngày 6 tháng 2 âm lịch sắp tới.

Một đề nghị rất xác đáng được mọi người dự tọa đàm đồng tình. Được biết, trước đây, nhiều trí thức tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị tương tự. Có điều, nếu tôi không nhầm – chẳng có ai là đại diện Sở Văn hóa Thể thao, Hội Khoa học lịch sử và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế tham dự cuộc tọa đàm này. Nhưng không sao, vẫn còn thời gian. Hy vọng là các cơ quan hữu quan sẽ sớm ngồi lại bàn thảo và có quyết định phù hợp với sự thật lịch sử cũng như lòng mong đợi của nhiều người. Một quyết định như thế cũng rất có ý nghĩa khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…

Nguyễn Khắc Phê