Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về những cơ hội, khó khăn cũng như thách thức khi chỉ còn 1 tháng nữa địa phương này chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam.
Cơ hội để Huế chuyển mình
* Cảm xúc của ông thế nào khi Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam?
– Là một công dân của Huế, tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế.
Đồng thời là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Và trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút nhà đầu tư và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.
* Sau niềm vui đó, tỉnh sẽ làm gì tiếp theo, thưa ông?
– Tỉnh đã xây dựng một kế hoạch chi tiết để củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp, sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư.
Bên cạnh đó là việc chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân… và rất nhiều nội dung công việc cần phải thực hiện.
Trong quá trình xây dựng đề án đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh đã nghiên cứu và đánh giá kỹ, có phương án, lộ trình sắp xếp bộ máy, nhân sự, việc này sẽ được triển khai một cách đồng bộ, minh bạch và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Giải bài toán khó bảo tồn – phát triển
* Ngoài những cơ hội phát triển, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương còn gặp những khó khăn, thách thức gì?
– Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.
Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”… Do vậy việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn luôn được chúng tôi chú trọng để giải quyết thấu đáo.
Trong quá trình xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan, tỉnh đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng (khu du lịch, khu công nghiệp, khu vực phát triển nông nghiệp…).
Với các bài toán quy hoạch cụ thể đã xây dựng được các khu vực không gian đô thị không làm ảnh hưởng đến các khu vực có di tích nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.
Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế nhằm xứng tầm với đô thị trực thuộc trung ương, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa mặc dù điều này có ảnh hưởng, làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
* Ông nhắc khá nhiều về việc kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, vậy lãnh đạo tỉnh, cụ thể là lãnh đạo thành phố trong tương lai có cam kết gì để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh và “rót vốn” vào thành phố Huế?
– Chúng tôi sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cắt giảm các chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian,…
Tổ chức công bố công khai các quy hoạch đã được duyệt; thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ.
Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đảm bảo tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị nguồn cung lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư…
Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành. Trên cơ sở đó, tỉnh và thành phố tương lai sẽ kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế mà doanh nghiệp gặp phải.
* Xin cảm ơn ông!
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/khi-truc-thuoc-trung-uong-hue-se-cat-giam-thoi-gian-lam-thu-tuc-hanh-chinh-20241202153701262.htm#content-2