Lãnh đạo huyện Phú Vang đi kiểm tra công tác triển khai mô hình giảm nghèo trên địa bàn

Trong 9 tháng đầu năm 2024, số hộ thoát nghèo trên địa bàn huyện Phú Vang là 565 hộ; trong đó, có 358/477 hộ cận nghèo, 207/196 hộ nghèo (vượt so với chỉ tiêu đăng ký đầu năm). Đó là kết quả từ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân Phú Vang. Ông Trần Gia Công, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững (GNBV) huyện Phú Vang cho hay, vai trò chủ thể vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế của người dân là yếu tố rất quan trọng, mang giá trị bền vững.

Để “mục sở thị” điều đó, theo giới thiệu của ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Phú Vang, chúng tôi đến một số địa phương trên địa bàn huyện được đánh giá triển khai rất hiệu quả các dự án hỗ trợ mô hình sinh kế thuộc chương trình mục tiêu quốc gia GNBV. Lắng nghe câu chuyện của vợ chồng bà Trần Thị Bành ở xã Phú Xuân, càng hiểu tinh thần vượt khó của người dân. Dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà Bành vẫn hàng ngày cùng con thuyền nhỏ cặm cụi trên đầm bủa lưới mưu sinh.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc bà Bành trở về nhà sau buổi chợ. Lúc 3 giờ sáng, bà ra đầm bủa lưới như mọi hôm, trời sáng cũng là lúc bà mang mấy kg cá đánh bắt được ra chợ bán. Hôm nào may mắn, bủa được một số loại cá giá trị kinh tế cao, thì cũng kiếm được 200 – 300 nghìn đồng. Cũng có hôm chỉ kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng. Thế nhưng, trên gương mặt hằn in dấu vết vất vả, vẫn sáng nụ cười lạc quan.

Bà Bành kể, nghề bủa lưới trên đầm là “kế thừa” từ cha mẹ. Cưới nhau xong chỉ có hai bàn tay trắng. Những năm tháng tuổi trẻ, vợ chồng bà Bành không quản vất vả, khó khăn, ngày đêm “bám” đầm, lênh đênh sông nước; chịu thương chịu khó, nuôi con cái khôn lớn, trưởng thành. Tuổi càng nhiều, sức khỏe yếu đi, bệnh tật nhiều thêm, nhưng vợ chồng bà vẫn tự lực cánh sinh.

Chồng bệnh yếu nên ở nhà đan giỏ đựng cá bán cho ngư dân trên địa bàn, một mình bà Bành thức khuya dậy sớm ra đầm bủa lưới. Quá trình rà soát những hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để hộ bà Bành được hỗ trợ ngư lưới cụ. Từ sự hỗ trợ đó, gia đình bà có điều kiện thuận lợi hơn trong đánh bắt, đồng thời cũng tạo thêm động lực để bà cố gắng. Bây giờ đã thoát nghèo, bà Bành tiếp tục được chính quyền địa phương đồng hành trên hành trình mới để có kinh tế ổn định, bền vững hơn.

Ở xã Phú Xuân, gia đình bà Võ Thị Sen cũng là hộ được chính quyền địa phương ghi nhận bởi nỗ lực vươn lên bằng sự chịu thương, chịu khó. Không có đất nông nghiệp để sản xuất, sinh sống bằng nghề làm thuê, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập của gia đình bà Sen rất bấp bênh. Vì thế, cái khó, cái nghèo cứ bám theo đằng đẵng. Sau khi được hỗ trợ một con bò cái giống thuộc dự án hỗ trợ mô hình nuôi bò thương phẩm, gia đình bà học hỏi kỹ thuật chăm sóc để bò mạnh khỏe, đảm bảo sinh sản tốt. Hiện, đàn bò đã “nhân” lên 5 con, trong đó có hai con bò cái đang mang bầu, hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển. Đến các xã Phú Gia, Vinh Thanh, Vinh Hà…, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều sự nỗ lực như thế từ những hộ đang trong quá trình thoát nghèo, mới thoát nghèo tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Theo ông Trần Nhơn Mâng, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ mô hình sinh kế thuộc chương trình mục tiêu quốc gia GNBV. Một trong những động lực then chốt để tạo ra được hiệu quả đó là người dân đã nâng cao ý thức về GNBV, tự nỗ lực vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp. Từ sự chuyển biến của ý thức đã dẫn đến hiệu quả trong hành động.

Trong năm qua, có gần 450 hộ trên địa bàn huyện được hỗ trợ các mô hình nuôi bò thương phẩm, nuôi gà lai thả vườn, nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ ngư lưới cụ khai thác thủy sản đầm phá…, với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Từ “nền móng” đó, người dân đã mạnh dạn đầu tư thêm để triển khai các mô hình đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Trần Gia Công, GNBV là nhiệm vụ xuyên suốt, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, vươn lên của người dân. Do đó, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa – thông tin và Thể thao huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu GNBV với phương pháp và cách làm phù hợp. Nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận từ chính quyền, các ban ngành… đến người dân nên mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Sở Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với UBND huyện Phú Vang tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho 300 cán bộ thông tin, tuyên truyền làm công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng cao năng lực truyền thông và nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV; hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả huyện xuống còn 1,9% vào cuối năm 2024.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH