BIDV ký kết tài trợ vốn thúc đẩy dệt may xanh

Thị phần dư nợ chiếm 16,3%

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trên địa bàn tỉnh đang có 27 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội; 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế – Quảng Trị; 7 quỹ tín dụng nhân dân; 1 quỹ đầu tư phát triển; 3 chương trình, dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị – xã hội đang hoạt động. Trong 10 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã huy động nguồn vốn hơn 75.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt gần 81.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm và tăng gần 8% so với cùng kỳ.

Trong đó, BIDV với 2 chi nhánh cấp 1 đang hoạt động có tổng nguồn vốn huy động đạt 7.670 tỷ đồng, chiếm thị phần 10,2% tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn. Dư nợ cho vay của 2 chi nhánh BIDV đạt 13.204 tỷ đồng, chiếm thị phần 16,3% tổng dư nợ toàn địa bàn.

Hiện, BIDV đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu tiên dành cho khách hàng DN với dư nợ phát sinh 5.917 tỷ đồng, chiếm 44,8% tổng dư nợ. Các chương trình cho vay ưu đãi tập trung dành cho DN nhỏ và vừa với 183 khách hàng vay vốn, dư nợ 2.290 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với DN lớn dư nợ 1.086 tỷ đồng; tài trợ dự án đầu tư cho DN dư nợ 498 tỷ đồng. Chương trình đồng hành cùng DN xuất nhập khẩu cũng có dư nợ 845 tỷ đồng; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản cũng đã giải ngân 1.460 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 229 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chương trình tín dụng xanh hỗ trợ DN dệt may, công trình xanh, các dự án nhà ở xã hội cũng được hai chi nhánh triển khai. Mới đây trong khuôn khổ hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng, DN do Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức, hai chi nhánh BIDV đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng quy mô gần 250 tỷ đồng tài trợ cho dự án nhà ở xã hội, hợp đồng tín dụng dệt may xanh trên địa bàn.

Theo ông Hồ Mộng Thanh, Giám đốc BIDV Thừa Thiên Huế, BIDV Thừa Thiên Huế và BIDV Phú Xuân đã triển khai các chương trình kết nối với DN nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng DN bền vững, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn của DN để kịp thời xử lý, tháo gỡ cho DN. Đơn vị cũng thường xuyên làm việc, gặp gỡ, thăm hỏi khách hàng để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình thị trường, nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, nhu cầu vốn vay để kịp thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng…

Hỗ trợ khách hàng

Cùng với thúc đẩy tín dụng, BIDV đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Theo đó, hai chi nhánh đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ nhóm 1 (dư nợ đủ tiêu chuẩn) các khoản vay trung, dài hạn để hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế.

Từ đầu năm, hai chi nhánh đã triển khai các chương trình cho vay ưu đãi về lãi suất. Trong đó, lãi suất cho vay đối với DN giảm từ 1,5% – 2,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Ngoài ra, BIDV còn triển khai chiến dịch phát triển khách hàng DN nhỏ và vừa, DN có hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế năm 2024 và chương trình tín dụng, sản phẩm tín dụng đặc thù… để gia tăng và thúc đẩy cấp tín dụng.

Dù vậy, theo ông Hồ Mộng Thanh, khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn một số hạn chế. Bên cạnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu do các khó khăn liên quan đến chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao; thị trường đầu ra… nhiều DN chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn, như: Dự án, phương án sản xuất, kinh doanh không khả thi, không hiệu quả, tài sản thế chấp không bảo đảm. Các DN nhỏ và siêu nhỏ còn hạn chế trong trình độ, năng lực quản lý; thông tin về tài chính DN thiếu minh bạch và có độ tin cậy thấp… Một số DN gặp vướng mắc trong khâu hoàn thiện các thủ tục thế chấp tài sản, thủ tục hành chính, đăng ký giao dịch bảo đảm dẫn đến chậm tiến độ giải ngân, có thể mất cơ hội trong kinh doanh.

Để phần nào tháo gỡ các khó khăn trên, hệ thống BIDV trên địa bàn tập trung các hoạt động đầu tư tín dụng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn hợp lý cho các DN có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi trên cơ sở bám sát theo định hướng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Ưu tiên đáp ứng các nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất cho các dự án tạo nhiều việc làm, các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng xanh, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, xuất khẩu hàng hóa và các nhu cầu vốn phát triển du lịch và dịch vụ.

Song hành mục tiêu cấp tín dụng ưu đãi đối với DN, hệ thống BIDV tại Thừa Thiên Huế cũng sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp với Hiệp hội DN và các đơn vị liên quan nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ phía DN để có hướng hỗ trợ phù hợp. Dành nguồn vốn ưu tiên cho DN; điều hành lãi suất cho vay đảm bảo hài hòa cũng như kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, cải cách thủ tục cho vay, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, ông Hồ Mộng Thanh cho hay.

Bài, ảnh: Hoàng Loan