Lãnh đạo thành phố kiểm tra quy trình thực hiện các thủ tục hành chính tại quận Phú Xuân 

Nhiều điểm mới

Thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những chỉ số mới của DDCI 2024 với nội dung hỏi tham khảo về nội dung gia nhập thị trường của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023.

Lần đầu được đưa vào đánh giá DDCI, chỉ số này nhằm thể hiện sự hài lòng của doanh nghiệp (DN) đối với trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ yêu cầu, điều kiện của đơn vị được đánh giá trong việc giải quyết công việc cụ thể liên quan đến DN.

Từ báo cáo công bố chỉ số DCCI năm 2024 của thành phố Huế, nếu phân loại chỉ số TTHC theo nhóm sở, ban, ngành, thì số điểm tương đối đồng đều, chênh lệch không nhiều giữa các đơn vị, thể hiện các DN ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong việc giải quyết TTHC với các tiêu chí như: Các yêu cầu về thành phần hồ sơ TTHC được thể hiện theo hướng công khai, dễ thực hiện; phí và lệ phí giải quyết TTHC được công khai, đúng quy định của pháp luật… Nếu phân loại chỉ số TTHC theo nhóm địa phương cũng rất khả quan khi tất cả các đơn vị đều đạt số điểm từ 8,99 trở lên.

Việc rút gọn các thủ tục hành chính sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân 

Ngoài thêm mới chỉ số TTHC, năm 2024, DCCI cũng gộp tính năng động và vai trò người đứng đầu để phù hợp với bảng hỏi PCI. Đây là một tiêu chí tạo niềm tin cho DN quyết định tiếp tục đầu tư hoặc đầu tư mới vào địa phương.

Xét về nhóm sở, ban, ngành, kết quả tổng kết cho thấy các đơn vị có điểm chênh lệch không đáng kể về chỉ số này; nhóm địa phương cũng cho thấy sự tương đồng giữa các đơn vị.

Mặc dù là điểm mới, song qua khảo sát, DN đã đánh giá tích cực về tính năng động của người đứng đầu các đơn vị. Việc giải quyết các văn bản cho DN hiệu quả hơn. Ngoài ra, từ khảo sát cho thấy, các sở, ban, ngành, đơn vị cần có giải pháp cải thiện quy trình phân định rõ quyền hạn của đơn vị có thể giải quyết vấn đề của DN.

Năm 2024, DCCI điều chỉnh nội dung 8 nhóm chỉ số. Nội dung câu hỏi được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng nhằm đi sâu những chỉ số còn chưa tốt trong đánh giá PCI. Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố Huế cho biết, kết quả khảo sát DDCI 2024 có các chỉ số thành phần tương đồng với PCI 2023.

Tối ưu hóa quy trình vận hành

Trước bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trở thành khu vực thu hút sự chuyển dịch đầu tư sản xuất của thế giới, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và các tỉnh, thành những năm vừa qua đã đem lại thành quả xứng đáng. Đối với Huế, 2025 là năm đầu tiên ở vị thế thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, DDCI tiếp tục là cầu nối giữa DN và chính quyền địa phương. Đặc biệt, DDCI được định hướng là một trong những giải pháp để cải thiện nhóm chỉ số chưa tốt trong đánh giá PCI, hướng đến phát hiện vấn đề và đề xuất hướng cải thiện nhóm chưa tốt để tiếp tục duy trì chỉ số PCI trong top 10.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Huế 

Trong một lần trao đổi, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, các thông điệp chính trong bộ chỉ số PCI là sự thuận lợi, chuyên nghiệp của thủ tục, minh bạch của quy trình, sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền… “Qua khảo sát doanh nghiệp FDI và trong nước nhiều năm, chúng tôi thấy rằng các nhà đầu tư chất lượng, có công nghệ, có giá trị gia tăng cao thường đánh giá và có nhu cầu cao về những yếu tố trên. Chính vì thế, Huế cần phải nhắm đến nhóm các nhà đầu tư quan trọng và khó tính này. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi là hết sức cần thiết, giúp chọn lọc và tăng sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư chất lượng cao”, ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo thành phố Huế, kết quả của khảo sát DDCI được dùng làm thước đo để UBND thành phố đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, quận, các sở, ban, ngành. Đây là kênh thông tin đáng tin cậy, rộng rãi và minh bạch để DN tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương. Từ đó, tạo thành điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ chính quyền và xem đây là công cụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội; tạo động lực phấn đấu, thi đua về công cuộc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến nhà đầu tư, DN, góp phần tăng vị trí xếp hạng PCI.

“PCI là chỉ số quan trọng, phản ánh thực tiễn môi trường đầu tư, năng lực đáp ứng yêu cầu của công việc. Huế đang ở một vị thế tốt, tuy nhiên nếu không nỗ lực hơn nữa thì thứ hạng sẽ đi xuống. Do vậy, các cấp, ngành, cá nhân cần nỗ lực cao, tinh thần trách nhiệm lớn hơn, tối ưu hóa quá trình vận hành, tác nghiệp, sâu sát với thực tiễn để hoàn thành thủ tục, nhanh chóng hỗ trợ các dự án được triển khai”, Chủ tịch UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2025, UBND thành phố Huế đã công bố đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương. Theo đó, ở nhóm sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Cục Hải quan tỉnh (nay là Cục Hải quan thành phố) có điểm đánh giá cao nhất với 71,79 điểm; xếp thứ hai là Sở Khoa học và Công nghệ đạt 70,3 điểm; Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài xếp thứ ba với 70,28 điểm.

Dẫn đầu nhóm huyện, thị xã, thành phố (nay là 2 quận) là TX. Hương Thủy, đạt 72,58 điểm; xếp thứ hai là huyện Phú Lộc với 71,17 điểm; huyện Nam Đông (cũ) xếp thứ ba với 69,15 điểm.

Bài, ảnh: LÊ THỌ