Một trong những cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng của người dân Hương Bình

Ngày đầu trên quê mới

Đợi một hồi lâu, ông Nguyễn Quốc Trung (SN 1957) ở thôn Bình Sơn, xã Hương Bình, mới từ dưới xuôi thăm cháu trở lại nhà. Pha trà mời khách, ông bắt đầu câu chuyện: Nhìn sự sung túc trong cuộc sống ngày nay của bà con, ít ai biết rằng, Hương Bình đã trải qua một thời kỳ muôn vàn khó khăn…

Rồi ông Trung kể: “Tôi quê ở Kim Long (quận Phú Xuân). Học xong tú tài, tôi theo gia đình lên khai phá vùng đất mới, định cư lập làng theo chủ trương của tỉnh từ tháng 6/1976. Hồi đó mới hơn 19 tuổi, chưa lập gia đình, lên đây tôi được giao làm nhân viên thống kê Ban Xây dựng khu kinh tế mới. Thời kỳ đầu, 4-5 gia đình phải ở chung một nhà, đêm xuống lấy ánh trăng làm đèn. Trải qua không biết bao nhiêu khó khăn tưởng chừng phải bỏ cuộc mới có được như ngày hôm nay…”.

Những ngày đầu trên miền quê mới có biết bao thử thách: Đất đai sản xuất chưa có, xóm giềng chưa thân quen, đời sống kinh tế vô cùng túng thiếu, bà con vừa phải ổn định chỗ ở, vừa phát hoang, trồng trọt. Giống cây trồng như lúa, ngô, khoai, sắn… Nhà nước hỗ trợ cho các hộ trong quá trình khai hoang, lập làng. Các ban, ngành hỗ trợ tôn lợp để người dân bắt tay xây dựng nhà cửa…

Thời kỳ đầu ai cũng hoang mang vì vùng đất mới này lúc đó toàn một vùng lau lách, cỏ tranh mọc cao hơn nửa thân người, đất đai thì chi chít dấu vết tàn dư của chiến tranh. Trước khi lên vùng kinh tế mới, bà con có truyền thống làm lúa nước, đánh bắt cá ở sông đầm, nên lúc mới lên không biết làm gì, chủ yếu dựa vào chế độ kinh tế mới do Nhà nước cấp. Việc lập thôn xóm buổi đầu diễn ra rất khó khăn, nhiều cư dân phải bỏ đi nơi khác hoặc trở về quê cũ. “Hàng đêm chúng tôi tuần tra, thấy hộ nào tháo dỡ tôn liền lập biên bản xử lý. Dù vậy nhiều người vẫn quyết trở về vì môi trường sống lúc đó quá khó khăn”, ông Trung chia sẻ. “Vậy làm cách nào để bà con bám trụ nơi vùng đất mới?”. Trả lời tôi, ông Trung trầm ngâm: “Lúc đó vận động bà con cực lắm, phải phân tích cho bà con hiểu với chủ trương thành lập khu kinh tế mới để mình có đất đai cho con cháu về sau. Khi địa phương có đủ điều kiện hình thành khu dân cư mới, Nhà nước sẽ có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, trường học, hỗ trợ sinh kế… Cứ thế, lâu dần bà con mới hiểu ra”.

Đất không phụ người

Đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa, ông Nguyễn Viết Niên (SN 1961) ở thôn Tân Phong, nở nụ cười rạng rỡ khi chúng tôi tới thăm. Sau thời gian dài định cư, gia đình ông bây giờ có một cơ ngơi rất khang trang, rộng hơn 2.000m2, vợ ông là một tiểu thương khá nổi tiếng kinh doanh ở chợ của xã. Căn nhà của vợ chồng ông được xây theo kiến trúc cổ, trong nhà đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt…

Ông Niên kể: Gia đình tôi ở Phong Điền lên lập nghiệp từ năm 1982 theo diện đăng ký tự nguyện đợt 2, không có chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Đưa vợ đang mang bầu đi lập nghiệp, lúc đó chỉ biết khai hoang trồng sắn, khoai, trỉa lúa cạn. Người dân vừa trồng trọt vừa khai hoang, lấy củi bán đổi thức ăn. Chợ lúc đó là những chiếc xe của người dưới xuôi đưa các mặt hàng nước mắm, ruốc, cá khô… lên bán và thu mua củi đốt của bà con theo kiểu hàng đổi hàng.

Tháng 3/1979, chính quyền xã được thành lập với tên gọi Hương Bình – như ước mong của người dân rằng nơi đây sẽ trở thành quê hương yên bình để họ định cư lập nghiệp. Chủ tịch UBND xã Hương Bình, ông Trần Viết Tuấn thông tin: “Từ khi có chính quyền xã, quá trình khai phá, mở rộng diện tích được thúc đẩy mạnh mẽ, hình thành nên các thôn, xóm. Với tinh thần khẩn trương, các đội đoàn kết sản xuất nhanh chóng được hình thành, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất. Phương thức canh tác cũng được thay đổi sang hướng chuyên canh, thâm canh, năng suất cây trồng từng bước được nâng lên, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của địa phương…”.

Những năm 1980, các gia đình trên địa bàn xã tăng cường chăn nuôi bò, heo, mở rộng diện tích các loại cây trồng, cải tạo vườn cây ăn trái. Từ đó, dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất, nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi bò, lợn, gà… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 1993, Hương Bình bắt đầu trồng cây cao su, sau vài năm đã phát triển lên gần 1.200ha.

Kinh tế rừng là một thế mạnh rất lớn của Hương Bình. Năm 2014, toàn xã có hơn 500ha rừng, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Ông Niên nhớ lại: “Thời kỳ khó khăn, vợ chồng tôi vẫn quyết tâm bám trụ ở lại xây dựng quê hương mới. Sau khi khai hoang trồng trọt, tích lũy được ít vốn, gia đình chuyển sang phát triển chăn nuôi heo, gà, vịt… Người dân trong vùng lúc này cũng đã có thu nhập ổn định nhờ vào cây cao su, hồ tiêu và rừng tràm…”.

Đất không phụ người, khó khăn dần qua đi, vợ chồng ông bắt đầu ăn nên làm ra. Đến bây giờ, ngoài cơ ngơi hơn 2.000m2 đất ở, ông Niên đã có trên 10ha rừng kinh tế, còn mua thêm khu đất cạnh nhà rộng hơn 1.500m2 và nhiều tài sản có giá trị khác.

Hương Bình bây giờ là xã nông thôn mới, đang trên hành trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Hôm ở xã, tôi có gặp bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1961), cũng là người theo gia đình lên lập nghiệp thời kỳ đầu năm 1976, từ quê cũ Hương Sơ (quận Phú Xuân) lúc mới 17 tuổi. Bây giờ bà đã có cơ ngơi khang trang, cửa hàng tạp hóa lớn. Gia đình bà cũng sắm xe ô tô con đời mới sang trọng. “Gia đình tôi có 27ha rừng và nhiều lô đất ở. Chúng tôi có 6 người con, người con trai thứ hiện làm quản lý cho công ty nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh, 2 người kế tiếp đang bảo vệ luận án thạc sĩ ở Nhật…” – bà Thúy tự hào.

Hương Bình đang từng bước chuyển mình và phát triển. Hiện, địa phương cũng đã có những doanh nghiệp tìm đến đầu tư, cùng bà con trồng rừng, cây ăn quả, phát triển sản xuất kinh doanh với những sản phẩm OCOP.

Anh Nguyễn Bá Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển cây ăn quả Hoàng Thanh Bình cho hay: “Đời sống bà con ở đây ngày một khá hẳn nên công ty kinh doanh rất thuận lợi. Hương Bình bây giờ là một vùng đất phát triển…”.

Toàn xã Hương Bình hiện có rất nhiều lao động cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhiều người đang theo học các trường cao đẳng, đại học và sau đại học… Tất cả đó đã góp phần tạo nên sức bật mới cho vùng đất này hôm nay và mai sau.

Bá Trí