Thành Huế bên hai bờ sông Hương. Ảnh: Lê Đình

Xanh từ ý thức

Điều này có lẽ không cần bàn cãi khi Huế là thành phố có mật độ cây xanh lớn nhất nước, với tỷ lệ bao phủ khoảng 13m2 cây xanh/người. Đó cũng là lý do tại sao Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vinh danh Huế là “Thành phố Xanh quốc gia”. 

Một người bạn của tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh thường ví von, ở Huế cứ ra ngõ là gặp cây xanh, như ẩm thực vậy, đa dạng và phong phú, rồi gợi ý nên thêm cây xanh vào mục “đặc sản” của Huế.

Bật cười với ý nghĩ thú vị đó của bạn, tôi bổ sung thêm không chỉ ra ngõ mà ở nhà hay bất cứ đâu, không gian nào Huế cũng có cây xanh.

Tôi dẫn chứng lời mình nói bằng cách đưa bạn đến tham quan trải nghiệm Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế. Cây xanh được nhà đầu tư Nhật Bản khéo léo bố trí có chọn lọc không chỉ ở sảnh chờ, chỗ dừng chân nghỉ ngơi mà ở cả khu vực nhà vệ sinh, tạo sự duyên dáng và thân thiện. Trung tâm thương mại này trở nên sang trọng và đẳng cấp cũng từ những điều tưởng chừng nhỏ bé như thế.

Chợt nhớ đến thông điệp đầy tinh thần trách nhiệm với thiên nhiên, với cộng đồng của doanh nghiệp này: “Lấy bao nhiêu không gian sống của địa phương thì sẽ bù lại bấy nhiêu không gian xanh cho cộng đồng đó”, với việc thực hiện trồng 5.000 cây xanh các loại ở khu vực mà đơn vị triển khai dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế trước ngày khánh thành, đưa vào sử dụng và là hoạt động kết nối của chuỗi hoạt động trồng cây, trồng rừng vào các năm trước đó ở thị trấn Lăng Cô, trên diện tích 34ha.

Đó chỉ là lát cắt nhỏ trong nỗ lực trồng cây để Huế luôn xanh như bây giờ. Điều quan trọng và cốt lõi nhất là ngoài nỗ lực của đơn vị chuyên trách là Trung tâm Công viên cây xanh Huế, thì điều quan trọng có tính quyết định nhất vẫn là ý thức của người dân. “Trồng thêm một cây” không còn là khẩu hiệu để tăng độ bao phủ mà nó đã trở thành thói quen, là lẽ sống của người Huế.

Cây xanh không chỉ là cây mà trở thành những người bạn, những chứng nhân cho sự trưởng thành, cho những vui buồn đời sống thường nhật, cũng là chứng nhân cho bao sự thăng trầm, phát triển của vùng đất Cố đô. Thế nên, khi có một cây xanh đổ ngã, ai cũng xót xa và tìm cách khắc phục, cứu sống. Họ cũng lo lắng, đau đáu về phận cây như lo cho chính người thân của mình. Và khi cây được cứu sống thành công như cây xà cừ cổ thụ ngã đổ do bão cách đây mấy năm, người dân cũng vỡ òa sung sướng.

Vì yêu và quý cây xanh như thế nên không khó hiểu khi cây xanh ở Huế có số và có tên. Cách làm sáng tạo này của đơn vị quản lý cây xanh Huế góp phần nâng tầm vị thế của cây xanh trong đời sống và ứng xử của người dân, cũng là cách nâng tầm cho đô thị Huế.

Sáng từ mục tiêu

Hẳn là không phải ngẫu nhiên Tập đoàn Aeon Mall chọn Huế dừng chân trong hành trình chinh phục thị trường Việt ở dải đất miền Trung này. Rõ ràng là vì Huế hội đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của nhà đầu tư. Và ở chiều ngược lại, tập đoàn ưu tiên và có trách nhiệm với môi trường này cũng là lựa chọn hàng đầu trong mục tiêu kêu gọi đầu tư xuyên suốt của Huế.

Vài năm trở lại đây, Huế ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn. Ngoài Aeon Mall, những “con sếu đầu đàn” có thể kể đến như Tập đoàn SPH của Tây Ban Nha đầu tư khu resort ở Vinh Thanh vừa đưa vào hoạt động; Kim Long Motors Huế, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex… Những dự án mà các doanh nghiệp, tập đoàn này triển khai đều hứa hẹn sẽ tạo sự bứt phá cho diện mạo các vùng đất nơi triển khai dự án như cách mà họ đã làm ở nhiều địa phương khác. Quan trọng hơn, các dự án còn góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra sự khác biệt và đẳng cấp cho điểm đến mà doanh nghiệp dừng chân.

Thế nên, trong mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, dù tập trung rất nhiều nguồn lực để đạt các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về hạ tầng đô thị, song Huế vẫn nhất quán chọn hướng đi xanh, xây dựng những công trình gần gũi với thiên nhiên, tạo sự thoáng mát, xanh trong như các công trình đường đi bộ ven sông Hương, cầu gỗ lim, các công viên dọc bờ sông với hoa lá, cỏ cây xanh mướt bốn mùa. Gần đây nhất, công trình cải tạo Trung tâm Thi đấu thể thao thành Quảng trường Văn hóa thể thao có bốn mặt tiếp giáp các tuyến đường hiện hữu để người dân dễ tiếp cận, vui chơi… đã cho thấy chủ trương hướng về cộng đồng, về thiên nhiên của lãnh đạo thành phố. Cũng như nhiều công trình khác, Quảng trường Văn hóa thể thao này cũng được bao bọc bởi cây xanh sau khi hoàn thành.

Và còn rất nhiều công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông khác cũng được đầu tư để thành phố mới – Thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước xứng tầm là đô thị động lực trọng điểm của miền Trung và cả nước. Đó là công trình cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung – Thuận An; là cầu vượt sông Hương với mái vòm duyên dáng nhưng cũng không kém phần sang trọng sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2025. Sắp tới còn là tuyến đường Tố Hữu nối dài đến Sân bay quốc tế Phú Bài giúp du khách thuận lợi hơn khi di chuyển…

Trước đó, việc nâng cấp và đưa vào hoạt động Nhà ga T2 – Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài với năng lực đón khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm đã nâng tầm vị thế Sân bay quốc tế Phú Bài trên bản đồ sân bay trong nước và khu vực. Cùng với đó việc khởi công đê chắn sóng Chân Mây dài 750m và 2 bến cảng số 4 và 5 sẽ đảm bảo điều kiện để tiếp nhận cùng lúc các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới đến Huế…

Có thể thấy, Huế đã vươn mình và bứt phá để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Dù vậy, hành trình này sẽ vẫn còn dài và luôn tiếp diễn, bởi thành phố Trung ương thứ 6 của Việt Nam không chỉ trải dài về mặt địa lý mà còn hướng đến chiều sâu từ nội tại, từ trong cách nghĩ, cách làm, như mục tiêu xuyên suốt là giữ cho thành phố xanh, sáng và hiền hòa, gần gũi với thiên nhiên…

Tâm Huệ