Bức ảnh chụp Đại Cung Môn bên trong Đại Nội Huế dưới triều Nguyễn do người Pháp chụp lại – Ảnh tư liệu

Đại Cung Môn là cổng chính của Tử Cấm Thành – khu vực các vị vua cùng các phi tần Triều Nguyễn sống và làm việc bên trong Đại Nội Huế, sẽ được phục dựng sau khi khảo cổ.

Được xây dựng vào năm 1833, dưới triều vua Minh Mạng, Đại Cung Môn gồm 5 gian nhưng không xây chái, trổ 3 cửa, trong đó cửa chính giữa chỉ dành cho vua.
 
Đại Cung Môn được các nghệ nhân giỏi nhất triều Nguyễn lúc bấy giờ dựng lên cực kỳ tinh xảo. Mặt trước sơn son thếp vàng lộng lẫy, phần ô hộc trang trí các đề tài cổ điển (như bát bửu, tứ linh…) xen lẫn với thơ văn. Mặt sau có hai cánh hành lang kết nối với nhà Tả Vu và Hữu Vu, hai hành lang này dài 9 gian, quay về mặt bắc, lợp ngói thanh lưu ly. Bên trên Đại Cung Môn có treo biển Càn Thành Cung – nơi ở của nhà vua thuộc khu vực Tử Cấm Thành. Năm 1947, Đại Cung Môn cùng với điện Cần Chánh – Đại Nội Huế bị phá hủy hoàn toàn do chiến tranh, chỉ còn lại phần nền móng.

Trước đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BVHTTDL cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn – Đại Nội Huế.

Đào thám sát khảo cổ học Đại Cung Môn 

Theo đó, diện tích khai quật khảo cổ là 60m2, gồm 3 hố x 20m2/1 hố. Chủ trì khai quật là bà Nguyễn Thị Thao Giang, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc.

Việc thực hiện tu bổ, phục hồi công trình có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích Đại Nội Huế, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.

Vào cuối năm 2024, Hội đồng Nhân dân tỉnh (nay là Hội đồng Nhân dân thành phố) thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phục dựng di tích Đại Cung Môn dưới triều Nguyễn bên trong Đại Nội Huế. Dự án phục hồi Đại Cung Môn được thông qua có tổng mức đầu tư hơn 64,6 tỉ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách thành phố Huế.

Dự án sẽ tu bổ phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá Thanh, phục hồi nền, bậc cấp lát đá Thanh, tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống. Phục hồi phần chính của Đại Cung Môn là kết cấu bộ khung gỗ, mái, vách ván, liên ba đố bản, cửa bằng gỗ nhóm II. Các cấu kiện được chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng. Các cấu kiện gỗ được bảo quản chống ẩm và chống mối gỗ.

Dự án dự kiến triển khai vào năm 2025 và thực hiện trong vòng 4 năm.

Tin, ảnh: LIÊN MINH