Nhờ ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp toàn tỉnh trung bình hàng năm đạt trên 7.100 tỷ đồng |
Từ những mô hình công nghệ cao
Cách đây hơn 6 năm, ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc) đã triển khai mô hình thí điểm đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đó là dự án trồng dưa lưới do ông Hoàng Minh Sang hợp tác cùng nông dân địa phương thực hiện trên diện tích gần 4.000m2. Dự án gồm 5 nhà kính rộng 3.500m2 do Công ty nhà màng nông nghiệp Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt và hệ thống làm mát của Israel. Nhân viên được cấp trang phục và dụng cụ lao động khử trùng nghiêm ngặt trong quá trình làm việc.
Ông Hoàng Minh Sang chia sẻ: Ưu điểm của mô hình trồng trọt này là không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống làm mát, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn có thể kiểm soát được hoàn toàn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm rất an toàn.
Về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, được chứng kiến và nghe nông dân hào hứng kể chuyện mới cảm nhận về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã thực sự đi vào đời sống. Nhiều đời trước, người nông dân gắn kết với con trâu và cái cày lạc hậu; cảnh tượng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân được xem là câu chuyện viễn tưởng thì nay đã trở thành hiện thực. Đó là mô hình liên kết giữa Công ty CP Thiết bị bay Agridrone Việt Nam (Công ty Agridrone) với bà con nông dân.
Từ chỗ liên kết với một số HTX ở huyện Phú Lộc và TP. Huế, triển khai với diện tích khoảng 200ha, đến năm 2022, Công ty Agridrone nhân rộng mô hình lên hàng ngàn ha lúa để hiện thực hóa ý tưởng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Máy bay không người lái đạt độ chính xác cao khi tiến hành xử lý, nên có thể dập dịch hại lúa theo cụm và ngăn ngừa sâu bệnh lây lan, ngăn chặn dịch bùng phát. Đồng thời, thuốc bảo vệ thực vật được tách ra thành những hạt mịn nhỏ và phun đều lên các bộ phận của cây trồng, tránh lãng phí thuốc, đảm bảo hiệu quả cho cây lúa.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Anh, thông qua việc liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, tỉnh đã mở rộng vùng chuyên canh sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chỉ áp dụng kỹ thuật cao; DN thu mua lúa và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân. Ðiển hình là mô hình liên kết giữa Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm với HTX nông nghiệp Phú Lương (huyện Phú Vang), sản xuất giống lúa hữu cơ chất lượng cao như BT7, DT39… Thừa Thiên Huế đã có khoảng hơn 3.000ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao, phần lớn tập trung ở 2 huyện Phú Vang, Quảng Ðiền. Các vùng sản xuất loại lúa này đều có sự liên kết giữa DN với nông dân, nhằm tạo thương hiệu gạo sạch, có giá trị cao.
Sản xuất theo hướng hàng hóa
Giữa năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn. UBND tỉnh đã hỗ trợ 12 tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, phát triển sản xuất nông sản an toàn và nông nghiệp công nghệ cao được xem là cơ hội để nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cũng theo ông Lê Văn Anh, để nông nghiệp tỉnh có bước phát triển đột phá, Sở NN&PTNT đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 20 và 30 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, trong đó trọng tâm là hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay đã có 24 cơ sở đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ kinh phí. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ các nội dung thuộc thẩm quyền với kinh phí khoảng 15,2 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, nhóm hộ gia đình sau khi được nhận hỗ trợ đã đầu tư, mở rộng sản xuất đạt kết quả cao về năng suất, giá trị nông sản, thể hiện được hiệu quả của chính sách trong việc khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa, Sở NN&PTNT đã tập trung cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn (hữu cơ, VietGAP…) và ưu tiên phát triển nhóm các sản phẩm chủ lực quốc gia như lúa chất lượng cao, tôm, thịt lợn và gia cầm; nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh như thủy sản vùng đầm phá, sen, thanh trà, dược liệu và các sản phẩm OCOP. Đồng thời, cơ cấu lại trên từng lĩnh vực của ngành theo hướng đối tượng nào có lợi thế, có dư địa phát triển thì tập trung chỉ đạo, tập trung chính sách để hỗ trợ phát triển.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/hinh-thanh-nen-nong-nghiep-cong-nghe-cao-148492.html