Giáo sư Satoh Shigeru |
Xin chào GS. Satoh Shigeru! Từng đi nhiều nơi trên thế giới và đã đến Huế nghiên cứu về cảnh quan nhiều lần, ông nhìn thấy ở Huế có những giá trị riêng biệt gì về cảnh quan di sản và cảnh quan thiên nhiên?
Huế có cảnh quan sơn thủy rất đẹp gồm núi, sông nước và đời sống người dân kết hợp hài hòa với nhau. Điều đó thật tuyệt! Kinh thành Huế và làng mạc tồn tại hài hòa với thiên nhiên. Điều này rất đặc biệt.
Tôi đã nghiên cứu và cộng tác tại Huế được một phần tư thế kỷ, kể từ khi tôi được mời tham dự một hội thảo quốc tế tại Đại Nội Huế vào mùa hè 1997. Phát hiện của tôi có thể tóm tắt trong ba điểm. Đầu tiên là vùng Huế, với Kinh thành là trung tâm, đã tạo ra hình mẫu tốt nhất thế giới về cảnh quan văn hóa sơn thủy (shan shui). Được bao quanh bởi những ngọn núi xanh tươi, với dòng sông Hương hiền hòa chảy dọc theo trục chính và đổ ra biển cùng những đầm phá trù phú, khu vực này tập hợp nhiều di tích lịch sử. Cùng với một số làng truyền thống, toàn bộ khu vực đã tạo nên một cảnh quan chân thực về văn hóa sơn thủy thống nhất.
Phát hiện thứ hai là, trên nền cảnh quan văn hóa sơn thủy, với cốt lõi là các công trình lịch sử được công nhận là Di sản thế giới, được tích hợp với khu dân cư để tạo thành “lãnh thổ sơn thủy nhỏ”. Điển hình là khu vực Thiên Thọ Lăng, nơi có lăng vua Gia Long – lăng của vị hoàng đế đầu tiên của Triều Nguyễn, lăng mộ gia quyến của Ngài, làng Định Môn và cánh đồng lúa. Hoàng đế Gia Long có thể đã thể hiện một mô hình như vậy trong việc xây dựng lăng mộ của chính mình. Các cộng đồng, cùng với các di tích quan trọng của quốc gia, dùng chung một hệ sinh thái bao gồm hệ thống kiểm soát lũ và hệ thống tưới tiêu, tạo thành những tiểu vũ trụ tự quản. Những tiểu vũ trụ này đóng vai trò là những đơn vị cơ bản của di sản văn hóa và cảnh quan.
Thứ ba, những “lãnh thổ sơn thủy nhỏ” được kết nối với nhau tạo thành một thể thống nhất. Xương sống của những lãnh thổ này là mạng lưới nước được neo giữ bởi sông Hương. Với mặt nước ở phía trước công trình, các trục trực quan rõ ràng khác nhau được thiết kế từ các công trình di tích đến các đỉnh núi thiêng. Sự gối lên nhau của các trục này, tức là tầm nhìn chung về dãy núi thiêng từ các điểm nhìn ở các công trình di tích khác nhau, đã làm cho khu vực này thành một thể thống nhất. Chính nhờ sự kết hợp của từng “lãnh thổ sơn thủy nhỏ” với di sản lịch sử mà một cơ cấu tổ chức bền vững cho cảnh quan văn hóa được hiện thực hóa.
Trong nghiên cứu của mình, ông có đưa ra một khái niệm: “Văn hóa cảnh quan chính là Quần thể di sản Huế”, và Quần thể di sản cần phải tiếp tục được nâng tầm giá trị mới đạt được Văn hóa cảnh quan. Đây chính là nền tảng cho việc lập hồ sơ Di sản UNESCO cho toàn bộ quần thể cảnh quan Huế, trong đó sông Hương chính là lõi của di sản cảnh quan này. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Trong quá trình nghiên cứu tôi nhận ra là tất cả các công trình như Đại Nội, lăng tẩm hoàng gia và đình làng, miếu thờ ở Huế đều hướng về đỉnh núi và phía trước công trình có dòng sông. Ví dụ như lăng vua Gia Long phía trước có hồ dài và thẳng trục lên đỉnh Thiên Thọ, lăng mẹ vua trước có hồ vuông và nhìn lên đỉnh núi Duệ Sơn (hay còn gọi là núi Kệ), lăng vua Minh Mạng thì thẳng trục với đỉnh núi Kim Phụng và đỉnh núi Kim Kê, Kinh thành Huế trước có sông Hương và quay mặt về hướng đông nam, tâm Ngự Hà thẳng theo trục Dũng Đạo của Kinh thành và hướng về đỉnh núi Truồi, dưới có mặt nước, trên có núi trông rất đẹp. Đây là sự kết hợp rất tuyệt vời về mặt sơn thủy. Rất hiếm nơi nào trên thế giới có cảnh quan văn hóa sơn thủy như vậy.
Ý nghĩa về sơn thủy là rất quan trọng. Toàn bộ cảnh quan dọc theo sông Hương đều nằm trong bối cảnh này cả và bạn có thể thưởng thức cảnh quan văn hóa đô thị, cảnh quan làng mạc, cảnh quan văn hóa di sản và cảnh quan văn hóa thiên nhiên. Sông Hương có tất cả các yếu tố hợp thành cảnh quan văn hóa sơn thủy và toàn bộ lưu vực sông Hương đều có cảnh quan văn hóa sơn thủy, tạo nên một sự tổng hòa, thống nhất.
Trong hơn 25 năm nghiên cứu về Huế, phát hiện nào về Huế khiến Giáo sư cảm thấy ấn tượng và thú vị nhất?
Một phát hiện khiến tôi rất thích thú là tâm sông Ngự Hà thẳng theo trục Dũng Đạo của Kinh thành và hướng về đỉnh núi Truồi mà tôi phát hiện vào buổi sáng sớm. Tôi đã chia sẻ phát hiện này với nhiều người và nhiều chuyên gia, nhưng mọi người nói với tôi rằng đó là núi Ngự Bình. Tuy nhiên thực tế thì Ngự Bình và núi Truồi là khác nhau. Trục Dũng đạo của Kinh thành và Hoàng thành Huế là hướng thẳng lên đỉnh núi Truồi, nhưng hầu như không ai biết điều đó.
Núi Truồi nằm cách Kinh thành Huế khoảng 40km theo đường chim bay, có lẽ chúng ta không nhìn thấy được vào ban ngày, nhưng vào sáng sớm đứng ở đường thẳng tâm của sông Ngự Hà với Kinh thành và Hoàng thành Huế thì có thể quan sát thấy được đỉnh núi Truồi, hoặc đứng trên cột cờ Phu Văn Lâu thì mới có thể quan sát thấy được. Điều này là do vua Gia Long thiết kế một cách có chủ ý.
Bố cục cảnh quan của Huế có nhiều điểm tương đồng với thành phố lâu đài Tsuruoka ở Nhật. Thành phố này được xây dựng vào thế kỷ XVII với 300 lâu đài. Phía trước người ta cũng làm một con sông đào hướng tầm nhìn lên núi Phú Sỹ giống như sông Ngự Hà ở Huế nhìn lên núi Truồi. Tôi có tham gia dự án ở Tsuruoka, do đó khi đến Huế tôi đã phát hiện ra sự tương đồng trong thiết kế này. Tất cả những điều này là thiết kế một cách có chủ ý – gọi là phương pháp sơn thủy.
Giáo sư có nói rằng hầu như tất cả những nơi linh thiêng, quan trọng ở Huế đều có sự kết nối với cảnh quan sơn thủy và tầm nhìn lên núi. Ông có thể chia sẻ thêm về đặc trưng thú vị này?
Tại sao Kinh thành Huế không quay mặt chính nam. Thông thường thì các kinh thành quay mặt chính nam, nhưng Huế thì không. Vua Gia Long đã chọn hướng đông nam để lấy đoạn cong của sông Hương đi qua trước Kinh thành và núi Truồi làm mặt trước của Kinh thành. Lăng vua Gia Long và các lăng tẩm khác cũng vậy… Các đình làng và miếu thờ cũng theo nguyên tắc này khi thiết kế.
Thời đó, người ta đã nhận ra phương pháp thiết kế dựa theo sơn thủy. Mối quan hệ giữa sơn thủy với các công trình và những nơi quan trọng được thiết kế một cách có chủ ý. Điều đó là rất quan trọng, nhưng thế hệ trẻ bây giờ lãng quên. Chúng ta phải tái nhìn nhận và khám phá lại điều đó.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/hiem-noi-nao-co-canh-quan-van-hoa-son-thuy-nhu-hue-149840.html