Sáng 30/12, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch thành phố Hà Nội năm 2025. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong dự Hội nghị.
Du lịch Hà Nội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra với những kết quả đáng tự hào
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh, năm 2025, vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành du lịch Hà Nội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra với những kết quả rất đáng tự hào.
Trong năm 2024 tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023. Trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế (4,47 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 34,4% so với năm 2023 và 21,51 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Hà Nội đã xây dựng được các sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, đã hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với làng nghề, gắn với công nghiệp văn hóa.
Du lịch Hà Nội cũng đem đến trải nghiệm đa dạng cho du khách, từ trải nghiệm 5 sao đến những trải nghiệm đời sống thường ngày, những giá trị đặc sắc từ làng quê hay trên vỉa hè mà thế giới không có.
Đánh giá cao Lễ hội thu Hà Nội 2024 được tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng người dân rất hào hứng với các hoạt động văn hóa, do vậy việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm văn hóa, đặc trưng văn hóa sẽ tạo sức hút lớn đối với du khách.
Biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành du lịch Hà Nội đã đạt được, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hơn nữa, gắn với những thế mạnh của địa phương.
Việc xây dựng sản phẩm cần có sự nghiên cứu, đánh giá thị trường, dòng khách để tạo ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế của du khách. Lưu ý các sản phẩm du lịch thường có “vòng đời” không quá dài, Thứ trưởng cho rằng cần tính toán để có sự đầu tư cho phù hợp khi xây dựng các sản phẩm.
Đối với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, công tác quảng bá, xúc tiến của ngành du lịch cũng như du lịch Hà Nội năm 2024 đã có nhiều đột phá.
Theo Thứ trưởng, việc quảng bá, xúc tiến du lịch cần có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để đạt hiệu quả cao. Bản chất của du lịch là liên kết, Hà Nội với vị trí của mình phải là trung tâm, đầu tàu để kết nối du lịch, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, thúc đẩy sự phát triển.
Thứ trưởng đề nghị Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và Tổng công ty Du lịch Hà Nội bắt tay xây dựng một “combo” sản phẩm du lịch có chất lượng, sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị ngành Du lịch Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong phát triển du lịch. Thứ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là định hướng rất quan trọng của đất nước. Đây cũng là cơ hội cho du lịch phát triển.
“Công nghệ thay đổi rất mau lẹ, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới để theo kịp. Nếu chúng ta chậm chân sẽ tụt hậu rất nhiều so với thế giới”, Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng cũng đề nghị việc phát triển du lịch cần theo hướng bền vững, chú trọng yếu tố môi trường. Do vậy, cần xây dựng các sản phẩm du lịch sạch, sản phẩm an toàn.
Về thể chế, chính sách, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng ngành du lịch Hà Nội cần cụ thể hóa những nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, từ đó tạo ra cơ chế để khai thác tốt hơn các nguồn lực (về vị trị, con người, hệ thống thiết chế…) thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới.
“Nhìn lại một năm qua, ngành du lịch đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều điều phải làm. Đất nước đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình, Đảng và Nhà nước đang nỗ lực để đưa đất nước đến giàu có, thịnh vượng, ngành du lịch có đủ tiềm năng và phải nỗ lực để trở thành một trong những lĩnh vực đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thứ trưởng Hồ An Phong bày tỏ.
Du lịch Thủ đô phấn đầu thu hút được trên 30 triệu lượt khách năm 2025
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2024, ngành du lịch đã có sự tăng trưởng và phát triển toàn diện đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến thăm quan và trải nghiệm tại Hà Nội ngày càng tăng; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách để thúc đẩy ngành du lịch phát triển được triển khai đồng bộ, thống nhất giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Hà Nội tiếp tục được các tổ chức du lịch uy tín trên Thế giới bình chọn, vinh danh các giải thưởng uy tín, cho thấy vị thế của Hà Nội là điểm đến du lịch hàng đầu và sự vươn lên mạnh mẽ của du lịch Thủ đô trên bản đồ quốc tế và khu vực. Từ đó, khẳng định sự hấp dẫn của Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước, tiếp tục minh chứng là điểm sáng du lịch với những sản phẩm du lịch đa dạng.
Ngoài ra, ngành du lịch còn tổ chức và phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện du lịch: Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 – Get on Hà Nội 2024” và công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; Tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Đêm Hà Nội 2024 và công bố Quyết định công nhận 03 điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đảo Ngọc – Trúc Bạch, quận Ba Đình; Chương trình Du xuân hữu nghị 2024 và đặc biệt chương trình Lễ hội quà tặng Du lịch và Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024.
Lễ hội có sự tham gia 150 đơn vị, cá nhân, quy mô 100 gian hàng, bao gồm: 85 nhà thiết kế, thương hiệu áo dài của Hà Nội – Huế, các cơ sở phụ kiện áo dài, các đơn vị: UBND quận Ba Đình, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội… Đặc biệt, trong 03 ngày diễn ra Lễ hội đã thu hút hơn 63.000 lượt khách tham quan là người dân Thủ đô, nhân dân cả nước, du khách và bạn bè quốc tế.
Về công tác chuyển đổi số trong hoạt động ngành du lịch, Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-SDL ngày 29/3/2024 về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Sở Du lịch năm 2024.
Về phương hướng nhiệm vụ, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sẽ đẩy mạnh trong việc phát triển du lịch để thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội. Tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững, ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp, đáp ứng tốt các thị trường khách du lịch chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Hà Nội.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Qua đó, phấn đấu trong năm 2025 ngành du lịch Thủ đô thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024 với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú), tăng 27,3% so với ước thực hiện năm 2024 và 23 triệu lượt khách nội địa, tăng 7 % so với ước thực hiện năm 2024.
Để đạt được điều này, ngành du lịch cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV…).
Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống các trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội – Đến để yêu” và “Hà Nội – Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng cho biết, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, du lịch Hà Nội sẽ chắt lọc để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc liên kết với các địa phương để tăng sức cạnh tranh cho du lịch./.