![]() |
Ô tô dừng đỗ đảm bảo mỹ quan đường phố sau khi triển khai NĐ 168 |
NĐ 168 ra đời, người tham gia giao thông thường để ý ở các cột đèn tín hiệu tại các đô thị có những tấm bảng quy định về mức xử phạt hành chính rất dễ nhìn. Theo NĐ mới này, quy định xử phạt vi phạm hành chính nếu so với văn bản pháp luật trước (NĐ 100/2019) cao gấp nhiều lần.
Đơn cử như, nếu hành vi vượt đèn đỏ đối với xe mô tô được nâng từ 800 nghìn – 1 triệu đồng lên mức 4 – 6 triệu đồng (gấp 5 lần). Hành vi “mở cửa xe ô tô, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông (TNGT)” được nâng từ 400- 600 nghìn đồng lên 20 – 22 triệu đồng (gấp hơn 40 lần). Ngay cả việc điều khiển ô tô không giảm tốc độ, hoặc nhường đường khi từ đường nhánh ra đường chính cũng bị xử phạt 4 – 6 triệu đồng (mức phạt cũ 800.000 đồng – 1 triệu đồng)…
Khoảng 1 tháng nay, từ thôn quê đến thành thị đều nghe râm ran, bàn luận về NĐ 168. Cư dân đô thị, từ trẻ đến già đều “nóng” với các mức phạt của NĐ này.
Ông Lê Văn T. (phường Phước Vĩnh, quận Thuận Hóa) cho biết, bản thân ông thường đi lấy hàng ở chợ đầu mối vào sáng sớm và nhiều lần vượt đèn đỏ vì nghĩ đường phố thời điểm này vắng người. Nhưng từ khi có NĐ 168, ông T. nói, hơn tháng nay ông đi đứng nghiêm túc, thấy đèn vàng là tự động giảm tốc độ và dừng xe chờ tín hiệu đèn.
Tâm lý của ông T. cũng là tâm lý của đại đa số người dân mỗi khi ra đường hiện nay. Minh chứng là ở thời điểm nào trong ngày, ra đường dễ thấy hình ảnh từng hàng người tham gia giao thông dừng trật tự sau các đèn tín hiệu; phương tiện dừng đúng vạch kẻ đường; xe máy không leo vỉa hè, lạng lách… Khác với trước đây, vào giờ cao điểm, nhất tại các khu vực trước cổng trường học; hay các ngã tư, ngã năm… phương tiện xe máy lưu thông lộn xộn, bất chấp theo kiểu mạnh ai nấy đi. Ngay cả ô tô, dù người lái có quan tâm hơn về đèn tín hiệu, các làn đường, nhưng không ít trường hợp vẫn vô tư sử dụng điện thoại khi đang cầm lái, thậm chí người ngồi trước không sử dụng dây an toàn…
Nhìn rõ vấn đề khi NĐ 168 có hiệu lực, để tránh sự đột ngột, thành phố Huế đã yêu cầu đơn vị, ban, ngành chức năng địa phương thông tin chi tiết đến người dân các quy định của NĐ. Công an các huyện, thị, quận, đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cao điểm để người dân nắm được quy định.
Trước đây, vào thời điểm Tết, giao thông đường phố thường bị ùn tắc, dễ xảy ra TNGT. Tuy nhiên, khi triển khai siết chặt quản lý trật tự, ATGT, dù dư luận dù có “lời ong tiếng ve” cho rằng mức phạt của NĐ mới là quá cao… nhưng, khi có chế tài mạnh khiến người dân hình thành ý thức quan sát, chấp hành quy định về ATGT một cách nền nếp, nghiêm túc hơn.
Tham khảo những con số từ Ban ATGT quốc gia thấy rõ, trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, TNGT giảm hẳn. Cụ thể, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ 25/1 đến 10h ngày 2/2, tức từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tết Ất Tỵ), toàn quốc xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 209 người và bị thương 373 người. So với cùng kỳ dịp tết Giáp Thìn 2024, tai nạn giảm 258 vụ (-36,69%), giảm 126 người chết (-37,61%), giảm 232 người bị thương (-38,34%). Riêng ở thành phố Huế, thống kê của ngành chức năng cho thấy, tình hình vi phạm ATGT và TNGT cũng giảm nhiều so với những năm trước đây.
Một chuyên gia giao thông sống ở Huế cho rằng, một thành phố, một đô thị văn minh phải so nhìn từ nét văn hóa của người dân tham gia giao thông. Nhưng muốn tạo dựng nét văn hóa giao thông đẹp không chỉ dựa vào mức tiền phạt nhiều và phạt lớn. Chế tài để mang tính răn đe, nhưng đồng thời mang tính giáo dục, mới mong hình thành được văn hóa giao thông; cũng như thiết lập đường phố an toàn, giao thông văn minh.
Nền tảng của nền giao thông văn minh được xác định một phần lớn bắt nguồn từ ý thức con người nhưng nó phải đi cùng với cơ sở hạ tầng, đường sá đồng bộ. Mọi vấn đề khi được tương thích, đồng bộ sẽ hoạt động hiệu quả, cũng như một động cơ ô tô, các trục bánh đã kết nối ăn khớp với nhau sẽ chạy đều và bền.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/giao-thong-do-thi-di-vao-nen-nep-150799.html