Công nhân mua hàng tại phiên chợ công đoàn  

Niềm vui sắm Tết

Chiều 26 Tết, chị Nguyễn Thị Mai, công nhân ngành may tại Khu công nghiệp Phú Bài, kết thúc ngày làm việc cuối cùng để bước vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ. Rời nhà máy, chị Mai vội vàng đi chợ chuẩn bị đồ Tết. “Tôi tranh thủ mua lá chuối, đậu xanh, thịt heo để cả nhà cùng gói bánh tét. Tự làm vừa vui, vừa tiết kiệm được một khoản”, chị Mai nói.

Theo chị Mai, Tết này, ngoài lương tháng 13, công ty còn thưởng thêm một khoản nhỏ. Nhờ vậy, chị có thể sắm sửa đủ đầy cho gia đình. “Với tôi, Tết không phải là cuộc đua mua sắm, chỉ cần bánh chưng, cân thịt và vài món đồ trang trí đơn giản là đã thấy ấm cúng rồi”, chị Mai chia sẻ.

Không như nhiều công nhân ở các thành phố khác phải bận tâm chi phí thuê nhà, phần lớn công nhân tại Huế là người địa phương. Điều này giúp họ có thể dành dụm nhiều hơn để sửa sang nhà cửa, chuẩn bị cho một năm mới khởi sắc. Anh Trần Văn Hùng, công nhân Khu công nghiệp Phong Điền kể, vợ chồng anh đều là công nhân, năm nay đơn hàng dồi dào, tăng ca thường xuyên nên cả thu nhập và thưởng Tết của hai vợ chồng khá hơn mọi năm. “Vợ chồng tôi quyết định dành một phần tiền thưởng để sắm bộ bàn ghế mới. Cả năm làm việc vất vả, Tết là lúc để mình cảm nhận được thành quả,” anh Hùng bộc bạch

Đối với chị Trần Thị Thảo, công nhân Công ty CP Dệt May Huế đủ đầy không chỉ nằm ở giá trị vật chất mà còn ở sự ấm áp, đoàn viên. Chị Thảo tâm sự: “Năm nào chúng tôi cũng làm thêm giờ đến sát Tết để kịp các đơn hàng. Nhưng khi về nhà, thấy con cái quây quần, chồng phụ tôi chuẩn bị mâm cỗ, là mọi mệt mỏi tan biến.”

Hy vọng một năm mới khởi sắc

Tết của những gia đình công nhân ở Huế đầy ắp niềm vui, hạnh phúc. Chị Trần Thị Hồng Mai, công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cho hay, dịp Tết giá cả nhiều thứ tăng, nhưng may mắn là lương thưởng cũng tạm ổn. Tôi mua thêm ít đồ mới cho con, còn lại thì tập trung nấu nướng, làm mấy món đặc sản như nem chua, tré để đãi khách. Tôi nghĩ niềm vui ngày Tết không cần đến từ những điều lớn lao mà chính là sự bình yên, hạnh phúc, các thành viên trong gia đình được quây quần bên mâm cơm đủ đầy”, chị Mai tâm sự.

Dù đời sống công nhân tại Huế đang ngày càng cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều gia đình gặp khó khăn, đặc biệt là những hộ đông con hoặc có người già, bệnh tật. Nhằm chia sẻ gánh nặng với người lao động, các tổ chức công đoàn và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chung tay hỗ trợ. Nhiều công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức các chương trình hỗ trợ công nhân đón Tết. Những hoạt động này không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí mà còn mang lại không khí ấm áp, nghĩa tình. Chị Lê Thị Thiên Thanh, công nhân sản xuất gạch men xúc động: “Phần quà Tết dù chỉ là bao gạo, chai dầu ăn hay hộp bánh mứt nhưng mang ý nghĩa lớn. Tôi cảm nhận được sự quan tâm từ công đoàn và công ty, thấy ấm lòng hơn khi nhận quà”.

Được tặng quà Tết, công nhân đỡ một khoản mua sắm

Phiên chợ công đoàn của Liên đoàn Lao động thành phố năm nay thu hút rất đông công nhân tham gia. Những gian hàng bán thực phẩm, đồ gia dụng và quần áo với giá ưu đãi được nhiều người chọn lựa. “Tôi mua được nhiều thứ giá rẻ hơn hẳn ngoài chợ, vừa tiết kiệm mà vẫn đủ đầy. Vừa được tặng quà vừa được mua hàng với giá ưu đãi, chắc chắn Tết năm nay sẽ vui hơn những năm trước”, chị Thanh tin tưởng.

Tết không chỉ là dịp nhìn lại những điều đã qua mà còn là thời điểm để người lao động gửi gắm hy vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Anh Trần Văn Hùng chia sẻ: “Năm mới, tôi mong công việc ổn định, lương thưởng cải thiện để gia đình có cuộc sống tốt hơn. Dù khó khăn, chỉ cần có sức khỏe, gia đình hòa thuận thì mọi thứ đều nhẹ nhàng hơn.”

Trong ánh nắng đầu xuân, những câu chuyện mộc mạc nhưng đầy ấm áp của công nhân lao động càng làm rõ hơn nét giản dị, nhưng đầy yêu thương. Nhiều công nhân quan niệm, Tết không cần phô trương, chỉ cần trọn vẹn trong sự đoàn viên, gắn kết của gia đình và cộng đồng cũng đủ để khởi đầu một năm mới khởi sắc.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN