Khách rất thích trải nghiệm đầm phá Tam Giang 

Thiếu sản phẩm mới lạ, có điểm nhấn

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, không ai nghi ngờ về tiềm năng, lợi thế của Huế. Vấn đề là Huế đẹp, hay đến vậy tại sao không chuyển động? Hay là do Huế đẹp, hay quá nên… không ai dám đụng đến? Người ta nói nhiều đến lợi thế, tiềm năng, nhưng đó chỉ lợi thế so sánh, chưa chuyển thành lợi thế cạnh tranh. Phải là chuyển thành lợi thế cạnh tranh, thì mới trở thành động lực, cơ hội phát triển.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến các điểm đến tại Huế chưa đột phá về lượng khách, chưa kéo khách ở lại lưu trú dài ngày và chưa kích thích khách tiêu tiền khi đi du lịch, trong đó quan trọng nhất là vẫn là sản phẩm dịch vụ. Theo ông Thắng, ngoài văn hóa di sản, gần đây Huế vẫn chưa có sản phẩm du lịch mới thực sự độc đáo, hấp dẫn; chưa có các công trình hạ tầng phục vụ du lịch xứng tầm, chưa có các dịch vụ mới trong khi xu hướng du khách lại mong muốn khám phá những điều mới lạ. Thị trường du lịch tại Huế khá quen thuộc, đến hẹn lại lên.

Đã từng có ý kiến nặng lời, rằng “du lịch Huế nghèo trên tài nguyên”, khi có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa biết cách lựa chọn để khai thác. Sản phẩm du lịch vô cùng đa dạng, loại hình nào cũng có nhưng chưa thực sự đặc sắc, có điểm nhấn để hút khách. Trong khi đó, ở những địa phương chỉ có một vài thế mạnh về du lịch, họ lại tập trung đầu tư để phát triển. Đây là chính là mấu chốt khiến du lịch Huế khó cạnh tranh.

 Khách trải nghiệm ẩm thực Huế

Huế vẫn chưa có các dòng sản phẩm du lịch chuyên biệt cho từng thị trường khách. Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, khách Âu Mỹ rất quan tâm đến khám phá văn hóa di sản và Huế là điểm đến hàng đầu để họ lựa chọn, song, xu thế dòng khách này khó tăng đột biến. Trái lại, khách châu Á lại quan tâm nhiều đến dịch vụ vui chơi, giải trí hơn, nhưng Huế vẫn thiếu các trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm lớn (ngoại trừ AEON MALL mới đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024), thiếu các thương hiệu du lịch đẳng cấp. Thiếu các dịch vụ vui chơi, mua sắm, khách cầm tiền đi du lịch không biết chi tiêu cho việc gì.

Huế vẫn thiếu dịch vụ du lịch về đêm. Mặc dù có các phố đi bộ về đêm hoạt động dịp cuối tuần, nhưng trên thực tế chưa tạo được sức hút, chưa có điểm nhấn khi các mô hình phố đêm, phố đi bộ vẫn còn na ná nhau. Việc liên kết giữa các đơn vị với doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa chặt chẽ, chưa đưa vào tour tuyến du lịch. Ngoài ra, điểm nghẽn lớn mà du lịch Huế gặp phải là thiếu sản phẩm quy mô lớn có tính định hướng với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đầu tư thành hệ sinh thái sản phẩm du lịch, từ vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm.

Thiếu nhà đầu tư

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn, việc thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư là tất yếu. Bài toán con gà – quả trứng xuất hiện khi nhà đầu tư tính toán rất kỹ, phải mang lại nguồn lợi đủ hấp dẫn, thu hút được khách họ mới “nhảy vào”. Trong khi đó, nếu thiếu các dịch vụ du lịch đủ tầm, cơ sở hạ tầng đáp ứng, lại khó thu hút được khách. Một bất lợi của Huế là yếu tố thời tiết khiến nhà đầu tư đắn đo khi đưa ra quyết định đầu tư.

 Đầm phá Tam Giang đẹp là lợi thế phát triển du lịch

Nhìn vào tình hình đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch thời gian qua, có thể thấy hạ tầng phục vụ du lịch vẫn chưa bắt kịp nhu cầu, từ khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi, giải trí, các dịch vụ bổ trợ. Thừa Thiên Huế có khoảng 120km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp nhưng đếm tới lui cũng mới có khoảng 10 cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng quy mô lớn. Nhiều dự án lớn như Địa Trung Hải, Minh Viễn vì nhiều lý do vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, để hạ tầng xuống cấp. Đối với hệ thống khách sạn, đến tháng 6/2024, Huế mới chính thức có khách sạn thứ 9 là La Vela Huế được Cục Du lịch Quốc gia công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Bài toán kết nối hạ tầng giao thông dù được các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm nhưng thực sự vẫn chưa hoàn hảo. Theo nhiều chuyên gia du lịch, hệ thống giao thông đường ven biển chưa đẹp và chưa thuận lợi, hiện vẫn đang kỳ vọng vào cầu vượt biển Thuận An. Từ cảng Chân Mây lên TP. Huế, phải có tuyến đường thuận lợi hơn, thậm chí di chuyển với tốc độ 80-120km/h thì mới rút ngắn được thời gian để khách lên Huế, khi nhiều siêu tàu cập và rời cảng trong ngày. Đối với đường sắt, phải thiết kế hạ tầng đồng bộ, giải quyết phản ánh của nhiều du khách từ chuyện nhà vệ sinh.

Kể từ khi nhà ga T2 của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài được được vào khai thác, kỳ vọng thu hút khách từ đường hàng không rất lớn. Song, vẫn còn nhiều trăn trở khi chưa mở được nhiều đường bay đến các quốc gia, vùng lãnh thổ. Một bài toán rất khó là chiều về từ thị trường có khách, chiều đi lại thiếu người nên khó mở, khó vận hành.

Nhắc đến hạ tầng, kêu gọi đầu tư, không thể không nhắc đến dịch vụ. Theo đại diện các doanh nghiệp, hiện dịch vụ chất lượng cao chưa có. Huế vẫn chưa thể thu hút các thương hiệu du lịch đẳng cấp thế giới, chưa có các nhà hàng sang trọng. Đối với các loại hình du lịch thu hút số lượng lớn khách như du lịch MICE, Huế vẫn chưa có các khách sạn, đơn vị đáp ứng được quy mô. Nhiều đơn vị đặt vấn đề tổ chức sự kiện, quy mô khoảng trên dưới 1.000 khách, các doanh nghiệp Huế phải lắc đầu vì hội trường nhỏ, địa điểm tổ chức không thuận lợi. Vào dịp cao điểm du lịch, tình trạng cháy phòng lưu trú khá phổ biến.

Khắp các địa phương ở Thừa Thiên Huế, lợi thế phát triển du lịch rất lớn, nhưng nhiều loại hình du lịch từ biển, đầm phá, đặc biệt là suối thác vẫn dừng lại ở mức tự phát. Khi chưa có bàn tay của nhà đầu tư thì chưa thể khai thác du lịch một cách bài bản. Thực ra, Huế có những điểm khác với các địa phương bạn, đó vừa lại lợi thế vừa là thách thức của du lịch Huế. Theo Sở Du lịch, lợi thế lớn nhất của Huế là di sản văn hóa. Tuy nhiên, “đụng” đến di sản, phải tuân thủ theo công ước bảo vệ di sản của UNESCO, nghĩa là phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển các dịch vụ. Việc tìm các nhà đầu tư lớn vì thế cũng có những khó khăn do lĩnh vực di sản văn hóa cần các nhà đầu tư vừa có tâm và có tầm. Mặt khác, các tỉnh đi sau có lợi thế quy hoạch một cách bài bản hơn, tầm nhìn rộng hơn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, phát triển du lịch Huế có những điểm phải đặc biệt chú ý, là giữ được hồn cốt văn hóa Huế. Du lịch Huế có bước phát triển tốt nhưng trong quá trình phát triển, vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là cần có sự quan tâm, sự đầu tư cùng chiến lược phát triển du lịch Huế một cách bài bản trên cơ sở kết hợp tất cả tiềm năng, trở thành một hệ thống hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, còn có trăn trở về năng lực tổ chức từ hệ thống con người, phải xem du lịch là ngành kinh tế để phát triển xã hội; từ chính quyền, cơ quan quản lý du lịch, những người thực hiện du lịch phải cùng quan tâm, cùng đồng lòng. Lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch luôn mong muốn có nguồn lực đầu tư mang tính chiến lược phát triển bền vững. Lâu nay, du lịch Huế đã có sự chuẩn bị, có nền tảng, có điều kiện để tạo đột phá nhưng cần có những điểm nhấn, các nguồn lực đầu tư lớn, các công trình trọng điểm để dẫn dắt phát triển các sản phẩm du lịch, nguồn lực đầu tư để tạo đột phá.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: HỮU PHÚC