Tàu biên phòng tham gia diễn tập |
Theo kịch bản diễn biến tình huống giả định diễn tập phối hợp TKCN hàng hải trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế, tại khu neo Chân Mây xảy ra vụ đâm tàu, giữa tàu vận tải và tàu khai thác thủy sản, làm tàu khai thác thủng khu vực hầm máy, nguy cơ xảy ra cháy nổ, tràn dầu, nước tràn vào hầm máy, nguy cơ chìm tàu; tàu vận tải bị móp ở phần mũi tàu.
Sau khi nhận được thông tin báo nạn, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây đã yêu cầu tàu vận tải phối hợp khẩn trương cứu vớt các thuyền viên tàu khai thác rơi xuống nước. Quá trình phối hợp tìm kiếm cứu người rơi xuống nước, tàu khai thác bị cháy ở khu vực kho vật tư sau lái. Nhận được thông tin báo cháy, chỉ huy hiện trường điều động tàu Sar 411 của Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực I kịp thời tiếp cận để hỗ trợ công tác chữa cháy. Các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai ngoài hiện trường để cứu vớt thuyền viên dưới nước và hỗ trợ chữa cháy tàu. Đồng thời, chỉ huy hiện trường triển khai sơ tán toàn bộ thuyền viên.
Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế cứu nạn ngư dân bị nạn trên biển |
Qua diễn tập, các vấn đề liên quan đến tai nạn, sự cố đã được nhanh chóng giải quyết như TKCN, phòng chống cháy nổ, ngăn ngừa ô nhiễm tràn dầu. Công tác tổ chức diễn tập đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện và khách tham quan.
Hoạt động diễn tập này rất cần thiết và hữu ích trong việc phòng ngừa, ngăn ngừa cũng như tổ chức ứng phó, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy; lực lượng, phương tiện; hậu cần) khi có sự cố xảy ra.
Kết quả của cuộc diễn tập góp phần nâng cao hơn nữa công tác phối hợp TKCN trên biển và trong vùng nước cảng biển; kiểm tra, đánh giá lại năng lực, chỉ đạo, chỉ huy điều hành phối hợp TKCN của các lực lượng có liên quan trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung. Cảng biển Thừa Thiên Huế có 2 khu vực cảng biển: Thuận An và Chân Mây. Hệ thống cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT, tàu khách quốc tế tổng dung tích đến 225.282 GT. Cơ sở hạ tầng hàng hải, sản lượng hàng hóa, tàu thuyền thông qua cảng trong thời gian qua đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Thừa Thiên Huế cũng là vùng biển nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch Bắc Nam, thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai như bão, lũ lụt, sạt lở đất, do đó công tác PCTT & TKCN luôn được lãnh đạo các cấp đặt lên hàng đầu.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (giữa) trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc |
BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý bờ biển có chiều dài khoảng 128 km với chính diện đường biên giới quốc gia trên biển dà 102,54 km, quản lý vùng biển rộng khoảng 4.440 km2. Trên vùng biển Thừa Thiên Huế, BĐBP là lực lượng nòng cốt, tham gia phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 2, Trung tâm Hàng hải khu vực II, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực iền Trung; Hải đoàn Biên phòng 48 và các lực lượng khác trên biển tham gia thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó sự cố tràn dầu, khắc phục sự cố, thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 5 tập thể, 6 cá nhân; Cục Hàng Hải Việt Nam tặng bằng khen cho 11 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia diễn tập.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-gioi-bien-dao/dien-tap-phoi-hop-tim-kiem-cuu-nan-trong-vung-nuoc-cang-bien-thua-thien-hue-147677.html