Giao dịch tại Agribank |
Lượng giao dịch tăng mạnh
Có mặt tại một phòng giao dịch của Vietcombank chi nhánh Huế, theo quan sát của chúng tôi, lượng khách ngồi đợi đến phiên giao dịch khá đông. Phần lớn người dân đến giao dịch thời điểm này chủ yếu là rút tiền mặt số lượng lớn; tất toán các khoản vay, tiết kiệm; cập nhật thông tin dữ liệu căn cước công dân và thông tin sinh trắc học…
Bà Trịnh Thị Thủy, kế toán một doanh nghiệp trên địa bàn cho hay, thời điểm giáp Tết nên nhu cầu về tiền mặt của doanh nghiệp khá lớn; vì thế tôi đến rút tiền mặt phục vụ cho các nhu cầu thanh toán của đơn vị. Thời gian này đến ngân hàng nào cũng phải chờ đợi, nên tôi tranh thủ đến sớm để tiện cho việc giao dịch.
Dù lượng giao dịch tiền mặt tăng, song thực tế, giao dịch tại quầy và giao dịch tại các cây ATM đã được giảm tải khá nhiều trong hơn 3 năm trở lại đây. Thời điểm này những năm trước, nhu cầu tiền mặt lớn nên việc quá tải tại các cây ATM, quầy giao dịch thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng trên địa bàn đã đẩy mạnh các hoạt động thanh toán trên các kênh số cho cả khách hàng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Theo đó, nhu cầu sử dụng tiền mặt hằng ngày có xu hướng giảm so với trước. Dù vậy, dịp cận tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch tại quầy và rút tiền mặt vẫn tăng từ gấp 2 đến 3 lần so với các thời điểm thông thường.
Theo lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Huế, ngân hàng đã chủ động xây dựng, chuẩn bị lượng tiền mặt và cơ cấu mệnh giá hợp lý nhằm phục vụ giao dịch rút tiền mặt của khách hàng qua hệ thống ATM trước và trong những ngày nghỉ Tết. Thông thường thời điểm trước Tết, nhu cầu thanh toán của người dân tăng cao. Vì thế, Vietcombank Huế thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp để nắm số tiền lương, tiền thưởng dự kiến chi trong dịp Tết và bổ sung nhân viên tại các điểm giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu rút tiền mặt, giảm rút tiền tại các máy ATM.
Vietcombank Chi nhánh Huế cũng tăng cường giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ, tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, khắc phục nhanh sự cố, duy trì hoạt động 24/7. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM, nhằm đảm bảo các máy ATM hoạt động an toàn, hiệu quả…
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; có biện pháp nhằm bảo đảm hoạt động thanh toán thông suốt, liên tục, ổn định, an toàn…
Phát huy lợi thế thanh toán không dùng tiền mặt
Ngoài giao dịch tại quầy hay ATM, các giao dịch thanh toán trên kênh ngân hàng số cũng tăng trưởng khá lớn trong dịp cận tết Nguyên đán. Việc nhiều ngân hàng áp dụng miễn phí giao dịch trên nền tảng số là cơ hội để người dân chuyển từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán trực tuyến.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt tăng trưởng khá lớn. Cụ thể, so với năm 2023, tổng số lượng giao dịch ATM, POS trên địa bàn trong năm 2024 tăng trưởng 26%; tổng số lượng giao dịch qua kênh điện tử, trong đó qua kênh mobile banking tăng hơn 166%; qua kênh internet banking tăng 28%. Vì thế, ngoài các giải pháp đảm bảo giao dịch tại quầy hay ATM, các ngân hàng cũng thực hiện nâng cấp hệ thống nhằm đảm bảo các giao dịch thông suốt trong thời điểm cuối năm.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Huế, ông Lê Việt Sỹ cho hay, chi nhánh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn kho quỹ của đơn vị theo các chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các chỉ đạo khác có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Kiểm tra, đảm bảo hệ thống thiết bị an toàn kho tiền như hệ thống camera giám sát, hệ thống chống đột nhập, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác canh gác bảo vệ trụ sở, phòng giao dịch, chủ động phối hợp với công an địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn nơi giao dịch tiền mặt và trên đường vận chuyển. Thực hiện nghiêm quy định về thu, đổi, tuyển chọn, phân loại tiền nhằm làm đẹp đồng tiền trong lưu thông. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kiểm đếm, tuyển chọn, phân loại, đóng bó niêm phong tiền khi thu chi với khách hàng và giao dịch với Ngân hàng Nhà nước. Đẩy mạnh chi các loại tiền mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng hơn với các giao dịch trong dịp trước trong và sau Tết. Bởi đây là thời điểm các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng nhu cầu giao dịch cuối năm để trao đổi tiền bất hợp pháp, thậm chí là tiền giả; các hành vi lừa đảo qua tài khoản ngân hàng để tránh bị lừa đảo, mất tiền…
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/de-giao-dich-ngan-hang-thong-suot-dip-tet-150262.html