Sản phẩm được dán nhãn, tem mác đảm bảo giúp người tiêu dùng yên tâm chọn mua 

Lợi đôi đường

Huế có 28 nhóm sản phẩm chủ lực, nên việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu tất yếu và bắt buộc để tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Tham gia truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa của địa phương càng có cơ hội lớn để mở rộng thị phần. Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), truy xuất nguồn gốc là “thủ tục”, điều kiện cần để doanh nghiệp gây dựng thương hiệu đáng tin cậy đến với khách hàng, minh bạch hóa các thông tin cần thiết về sản phẩm. Mặt khác, khi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng kiểm tra, lựa chọn được sản phẩm chất lượng, chính hãng, an toàn theo đúng nhu cầu.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, phát triển chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương, các đặc sản của Huế, triển khai xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ hiện đại hóa phương tiện đo lường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa một cách thiết thực và hiệu quả. Thực hiện đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP. Huế đến năm 2025”, Sở KH&CN đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp, cơ sở áp dụng Hệ thống tem truy xuất thông qua ứng dụng mã QR-code. Đơn cử như các sản phẩm: Sen Huế, dầu lạc, trà rau má, mè xửng, dầu tràm và một số cơ sở sản xuất, sản phẩm OCOP về chế biến thủy, hải sản, gạo thơm… với trung bình 10.000 tem/doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở KH&CN triển khai Nghị quyết số 22 của HĐND TP. Huế quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2030 và đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm: Trà sen Huế, trà rau má, tinh dầu tràm Lộc Thủy, nước nắm, ruốc Huế với 20.000 tem/doanh nghiệp.

Chị Phạm Thị Kim Tiên, chủ cơ sở chế biến tinh dầu tràm ở Phong Điền cho hay, khi sản phẩm tinh dầu tràm của cơ sở được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp cơ sở bảo vệ được thương hiệu, khách hàng tin tưởng hơn thể hiện qua việc số lượng đơn đặt mua tăng lên, và không chỉ có khách hàng trên địa bàn thành phố mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành bạn.

Trên địa bàn đang xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua 3 hình thức chủ yếu, tùy vào quy mô và điều kiện thực tế của cơ sở: Ghi chép sổ sách theo dõi sản xuất; áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, VietGAP, hữu cơ…; áp dụng công nghệ trong triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của thành phố, các đặc sản của địa phương giúp kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: Sản xuất, bảo quản, vận chuyển, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước, xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Kiểm soát hàng hóa lưu thông

Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) đối với các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn thời gian qua đã phát huy vai trò tích cực, góp phần phòng, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, văn minh thương mại. Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quyền lợi của người tiêu dùng, ngoài tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc, ngành KH&CN tổ chức hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; áp dụng hệ thống quản lý thực hành sản xuất tốt (GMP); thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo Tiêu chuẩn VietGAP… Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã… được nâng cao kiến thức, được tư vấn, hỗ trợ, vận dụng các công cụ, phương pháp thực hành để sản xuất tốt, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa…

Để gác cửa thị trường, nhất là vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán hay trong các mùa lễ hội khi sức mua, tiêu dùng lớn…, Sở KH&CN phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các mặt hàng như: Thiết bị điện, điện tử; xăng, nhiên liệu diezen; dầu nhờn động cơ đốt trong; vàng trang sức mỹ nghệ; hàng đóng gói sẵn và một số hàng hóa liên quan khác về đo lường, chất lượng tại các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn. Qua kiểm tra, các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường đều đảm bảo về đo lường, chất lượng trong kinh doanh. Sản phẩm, hàng hóa tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn hầu hết đều đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về TCĐLCL, thực hiện việc lưu hồ sơ chất lượng, ghi nhãn đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn tổ chức khảo sát điều kiện sản xuất, kinh doanh để triển khai tư vấn xây dựng và triển khai áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại một số doanh nghiệp. Ngành cũng đã phối hợp với đơn vị liên quan triển khai trang cấp, lắp đặt cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại ở các huyện, thị xã, quận, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2024, cơ quan chức năng đã tổ chức trang cấp 30 cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn, đồng thời khảo sát việc duy trì tình hình hoạt động các cân đối chứng đã cấp trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên