Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đem lại hiệu quả cao cho các mô hình hỗ trợ sản xuất giảm nghèo 

Hỗ trợ mô hình phù hợp thực tế

Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phú Vang cho biết, thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Chương trình), tại địa phương được hưởng lợi các dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, huyện được hỗ trợ các dự án về chăn nuôi gà, lợn và nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ tham gia mô hình dự án đã tiếp cận được nguồn vốn, con giống, kỹ thuật chăn nuôi nên đã thoát nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Không riêng Phú Vang, 3 năm qua, hơn 550 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đã tham gia các mô hình phát triển nông nghiệp, như: Nuôi gà lai kiến thả vườn, gà đệm lót sinh học, nuôi bò sinh sản, nuôi lợn thịt…

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn các chính sách của Trung ương, tỉnh và quy trình xây dựng dự án cũng như định mức kinh tế kỹ thuật về hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn của các địa phương hưởng lợi thuộc Chương trình. Năm 2023 đã tổ chức tập huấn 9 lớp cho hàng trăm học viên ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, A Lưới. Năm 2024, tổ chức 16 lớp tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới với hơn 600 học viên tham gia.

Ngành nông nghiệp còn xây dựng kế hoạch triển khai các chính sách và hướng dẫn xây dựng dự án, kế hoạch hỗ trợ mô hình sản xuất cho các xã thuộc các huyện, thị và thành phố để hoàn thành mục tiêu đề ra theo Kế hoạch 121 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 14 dự án được phê duyệt và đầu tư hỗ trợ theo Chương trình. Trong đó, Hương Thủy 3 dự án, Nam Đông 3 dự án, Phú Vang 5 dự án, Quảng Điền 2 dự án, Hương Trà 1 dự án. Dự án thuộc các lĩnh vực: Chăn nuôi bò (4 dự án), chăn nuôi gà (7 dự án), chăn nuôi lợn (2 dự án), nuôi trồng thủy sản (1 dự án). Tổng kinh phí thực hiện các dự án được phê duyệt hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ hơn 3,47 tỷ đồng, người dân đóng góp hơn 6,57 tỷ đồng.

 Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững

Nâng quy mô mô hình hỗ trợ sản xuất

Theo đánh giá của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đúng hướng. Khi được trao “cần câu” và hướng dẫn “cách câu”, nhiều gia đình đã thoát diện hộ nghèo, hộ cận nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương theo đó cũng giảm rõ rệt và giảm sâu so với chỉ tiêu giao. Diện mạo nông thôn, miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động sản xuất và dân sinh ở khu vực này cũng được nâng lên.

Cùng với việc thực hiện toàn diện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, trong đó có các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn 2,27% (7.540 hộ) cuối năm 2023, giảm hơn 1,2% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (giảm bình quân 0,7-0,75% theo Quyết định 652/QĐ-TTg). Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của khu vực 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2,27%/3,83%), đứng thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Để tiếp tục thực hiện dự án phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp cho rằng, cần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa những hộ sản xuất liền kề, nhóm cộng đồng để cùng nhau tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mã vùng truy xuất nguồn gốc đủ lớn, sản phẩm có chất lượng đồng đều, giá thành cạnh tranh. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân cần bắt tay liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, định hướng sản xuất, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm của hộ nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản.

Không chỉ bó hẹp vào hỗ trợ thực hiện những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, truyền thống, các địa phương cũng cần mạnh dạn, nâng tầm xây dựng các mô hình mang tính quy mô hơn để phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với du lịch nông thôn… Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định, cũng như huy động được nhiều đối tượng tham gia hưởng lợi từ các mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, góp phần đa dạng hóa, quy mô hóa mô hình sản xuất.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN