Cố nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: TL

Từ thị trấn Diễn Châu, xe rẽ đường Quốc lộ về xã Diễn Hoa quê hương ông, nơi có con sông Bùng, ruộng đồng xanh ngát, cánh cò chao nghiêng. Khu lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được con trai là kiến trúc sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Trọng Thi, hiện công tác tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế thiết kế, xây dựng. Công trình hài hòa những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca Nguyễn Trọng Tạo như dòng sông, tuổi thơ, đôi mắt, con đò, nốt nhạc… Các hình ảnh thơ ca Nguyễn Trọng Tạo được sử dụng cách điệu, đưa vào hình thức kiến trúc mặt bằng và mặt đứng của công trình một cách linh hoạt, duy mỹ. Đó là những biểu tượng hàm chứa tình cảm thiết tha với quê hương, đất nước và cả sự cách tân, hội nhập như trong phong cách, quan điểm nghệ thuật Nguyễn Trọng Tạo. Công trình đặc biệt sử dụng một số hình thức kiến trúc như làng quê Nghệ An, phố cổ Hà Nội, kiến trúc cung đình Huế… Ấn tượng nhất là bức tượng chân dung nhà thơ, nhạc sĩ do nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn thực hiện, được đặt trang trọng ở trung tâm công trình.

Ngay trong tối 12/6, chúng tôi dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ được tổ chức tại quê nhà đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, bạn bè văn nghệ, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Nghệ An. Sân khấu bố trí phía trước khu lưu niệm, nằm giữa cánh đồng hoa màu ngập tràn ngô, mè, lạc… đương mùa hoa nở.

Chương trình kết thúc, bạn bè Huế gồm nhà thơ Mai Văn Hoan, Võ Quê, Nguyễn Khắc Thạch, nhà phê bình Hồ Thế Hà cùng gia đình ngồi bên quán khuya ở thị trấn Diễn Châu để nhớ về một thời Nguyễn Trọng Tạo. Có thể nói, giai đoạn ở Huế của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là thời rực rỡ trong sự nghiệp thi ca của ông. Chỉ trong vòng 10 năm, nguồn cảm hứng dạt dào từ mảnh đất Cố đô trầm lãm này đã cho ra những tập, như: Sóng thủy tinh (1988), Gửi người không quen (1989), Đồng dao cho người lớn (1994), Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống (1995). Trong đó, hai tập Đồng dao cho người lớn và Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống được giới phê bình đánh giá cao, là sự cô đọng nhất của ngôn ngữ Nguyễn Trọng Tạo. Thi sĩ Hoàng Cầm từng nhận định: “Rõ ràng thơ Nguyễn Trọng Tạo đi thẳng ngay vào cái đang thực có để rồi phiêu diêu, tan man trong hư vô…”.

Với Huế, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đọng lại trong ký ức bè bạn là lần gặp gỡ vào mùa đông năm 1985. Những cuộc rượu ở Bến Ngự, Nguyễn Huệ, khu tập thể trường Quốc Học… và tư gia những người bạn đã để lại nhiều ấn tượng. Ông có rất nhiều bạn như vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Mai Văn Hoan, Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch… Nhà thơ Mai Văn Hoan bồi hồi kể về quãng thời gian ấy như sau: “Khi anh chưa vào Huế không khí thi ca ở Cố đô đã hết sức sôi động. Có anh vào, không khí thi ca càng sôi động hơn”. Nguyễn Trọng Tạo là chất xúc tác, là mồi lửa làm cháy sáng tinh thần văn nghệ, tinh thần sáng tạo. Ông cũng là chất keo kết dính tình anh em, bè bạn như ông từng cảm thán: “Bạn bè ở Huế đông vui lắm/ Túi đầy thơ tặng túi đầy trăng”.

Nguyễn Trọng Tạo yêu Huế và mến bạn bè Huế. Trong bài Ấn tượng Huế, nhà thơ từng viết rằng:“Sao cứ ước một người yêu ở đó/ Để suốt đời quê ngoại cũng quê hương?”. Và điều ước đó trở thành sự thật. Một lần gặp gỡ nọ, Nguyễn Trọng Tạo đã phải lòng một cô giáo của Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Hai người tiến tới hôn nhân và ông đã sống trọn vẹn với Huế hơn 10 năm cho đến năm 1997, sinh hạ được hai người con, một trai, một gái.

Chừng thời gian với Huế, Nguyễn Trọng Tạo đã dành riêng thơ cho Huế. Ông yêu tha thiết sông Hương để viết dòng bất hủ góp mặt vào dòng thi ca dành riêng cho dòng sông tâm tưởng: Con sông đám cưới Huyền Trân/ Bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn/ Hèn chi thơm thảo nỗi buồn/ Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ (Con sông huyền thoại). Nguyễn Trọng Tạo đã chơi, đã say mê và đã sống đúng nghĩa sống bởi ông từng quan niệm “trạng thái sống” như một thuật ngữ để soi rọi văn chương và soi rọi riêng vào thơ ta thì nhìn chung, thơ ta đã mang tới nhiều điều sâu kín của tâm hồn. Ông mẫn cảm thơ, coi trọng cái mới và được bạn bè văn nghệ, nhất là giới trẻ xem là người “vệ sĩ trung thực của cái mới trong thơ”.

Đêm về khuya, vầng trăng hãy còn thao thức, ai đó đọc câu thơ Nguyễn Trọng Tạo còn vương trên kẽ lá:“Có thương có nhớ có khóc có cười/ có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”. Và có những người đã sống, đã dâng hiến cho thi ca để còn đây chút đọng lại giữa dòng thời gian mải miết lướt qua.

Lê Vũ Trường Giang