Sản phẩm phấn nụ hoàng cung của Huế. Ảnh: PhannubaTung

Về cách làm phấn nụ, nguyên liệu đơn giản chỉ là cao lanh và nước. Điều quan trọng là phải có loại cao lanh thượng hạng và nguồn nước không lẫn tạp chất. Nếu như cao lanh phải chọn cho được loại có màu phớt hồng thì nước làm phấn cần được lấy từ giếng sâu trong hậu cung hoặc dùng nước mưa tinh khiết. Để có được loại nước mưa này, cần căng một tấm vải lớn được cố định 4 góc bằng 4 cái cọc, bên dưới đặt một cái vại. Tác dụng của tấm vải không chỉ hứng được nhiều nước mưa mà còn để lọc nước mưa qua một lượt.

Kỹ thuật làm phấn nụ chủ yếu cần sự cẩn thận và đặc biệt là kiên nhẫn, bởi mất ít nhất phải 10 ngày mới ra một mẻ phấn với nhiều công đoạn khác nhau: nướng cao lanh, lọc, tạo màu, đổ nụ, phơi, ướp hương. Cao lanh thường được nướng gián tiếp qua một tấm ngói mỏng đặt trên lò than đã quạt hàn sao cho cao lanh chín từ từ, chín đều và không bị bẩn. Khi đã chín, chuyển sang thể xốp và có màu trắng đục thì thả ngay vào chậu nước mưa đã chuẩn bị sẵn. Lúc này, cao lanh sẽ tan thành bột, dùng cây sạch khuấy đều với nước, xong dùng vải sa để lọc, lắng qua đêm. Sáng hôm sau, gạn hết nước trên bề mặt đi và thay nước mưa mới vào. Sau 8 buổi gạn, lọc như thế thì phần bột lắng ở dưới đáy đã nhẹ tênh và mịn như nhung, rất sạch sẽ. Nếu muốn tạo màu thì tiếp tục trộn bột cao lanh với phẩm màu cánh sen theo tỷ lệ nhiều hay ít tùy ý thích đậm hay nhạt (phấn nụ trắng bỏ qua công đoạn này).

Sau khi có được loại bột cao lanh như ý thì đặt các lớp giấy bản lên một chiếc khay, bên trên phủ thêm một tấm vải dễ thấm nước, dùng thìa múc bột đổ thành hình xoắn ốc lên vải. Đúng như tên gọi, phấn phải được đổ sao cho có hình giống nụ hoa, kích thước cũng chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay cái. Công đoạn này rất cần sự khéo léo của người nặn, bởi chỉ cần mạnh tay một chút là không thể có được nụ như ý muốn. Khi nước đã thấm kiệt, thì nhấc nụ phấn ra phơi. Điều lưu ý là, phấn phải được phơi trong bóng râm, bởi nếu phơi trực tiếp dưới ánh nắng thì viên phấn sẽ khô cứng, khi đánh sẽ bị xước mặt. Vào ban đêm, phấn còn được đem phơi sương. Sau “3 sương, 4 nắng” thì phấn có được độ khô cần thiết.

Nếu muốn phấn có thêm mùi hương thì khi phơi sương, đem cánh hoa có mùi theo ý thích rải lên nụ phấn và phủ thêm một tấm vải mỏng. Hoặc khi phấn đã khô hẳn thì cho vào trong một cái khăn cùng với cánh hoa rồi buộc chặt lại để ủ. Sau một đêm, số cánh hoa đó được bỏ đi để thay bằng các cánh hoa mới. Ủ hoa càng nhiều ngày, phấn càng thơm lâu. Thậm chí, viên phấn đánh gần hết vẫn còn hương. Một viên phấn đạt yêu cầu phải có kích thước vừa phải, hình dáng như nụ hoa, không được quá cứng hay quá mềm.

Cùng với phấn nụ, son môi (sáp môi) cũng được làm hoàn toàn từ vật liệu có sẵn trong thiên nhiên. Sáp ong loại tốt nấu lên cho tan chảy, khuấy đều. Cứ mỗi lạng sáp được trộn với 3 giọt dầu dừa để sáp mềm, mịn. Đổ sáp lỏng này lên nhiều lớp vải sa để lọc bỏ cặn thô. Sau đó, lại đun và lọc lại nhiều lần cho đến khi sáp có màu thật trong, dù vo thành viên nhưng viên sáp vẫn giữ được độ dẻo và bóng. Sau lần đun cuối cùng, phẩm màu tự nhiên được trộn vào sáp để nhào đều. Phẩm cũng có nguồn gốc tự nhiên, thường có màu cánh sen hoặc có thể chọn màu đậm nhạt tùy thích.

Từ cách làm mỹ phẩm hoàng cung, có thể thấy những sản phẩm làm đẹp này hoàn toàn lành tính, và thân thiện với môi trường. Tri thức và những câu chuyện gắn liền với mỹ phẩm hoàng cung cũng có thể gợi ý cho việc xây dựng các không gian sáng tạo, các workshop làm mỹ phẩm thủ công cho Huế.

Nguyên Ninh