Ngôi mộ của cụ Phó Bảng Dương Phước Vịnh .

Cái tên Dương Phước Vịnh thì tôi ít nghe, nhưng Đặng Huy Trứ thì tôi có được biết. Lần đầu tiên nghe tên cụ là bởi một người bạn đồng môn của tôi thời học Ngữ văn ở Đại học Tổng hợp Huế đã được phân làm một tiểu luận về thân thế, sự nghiệp của cụ.

Đặng Huy Trứ (1825-1874) người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cụ làm quan dưới triều Nguyễn, nổi tiếng thanh liêm. Ngoài là tấm gương sáng vì dân, vì nước, một nhà văn hóa, nhà chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao có tài. Cụ còn được xem là thủy tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Lăng mộ và Nhà thờ Đặng Huy Trứ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ tháng 12/1991.

Về nhân vật Dương Phước Vịnh (1812- 1864), cụ người làng Hiền Lương, xã Phong Hiền (Phong Điền). Là người có chí học hành từ nhỏ, nhiều năm thọ giáo với cụ Đặng Văn Trọng, thân sinh Đặng Huy Trứ. Năm 1841 cụ đỗ Cử nhân, năm 1842 đỗ Phó bảng. Năm 1848, được bổ đồng Tri phủ ở Nghĩa Hưng. Năm 1854 đổi Ngự sử đạo Hải An. Năm 1856, thăng Thự Binh khoa Chưởng ấn, rồi chuyển Án sát ở Bình Định. Năm 1861, cất lên Binh bộ Thị lang, hộ lý Ninh Bình Tuần phủ quan phòng. Làm quan trải 21 năm, cai quản tại nhiều nơi quan yếu, được nha lại tin tưởng, nhân dân yêu mến. Cụ qua đời ngày 5/12/1864, lúc đang giữ chức Tuần vũ Ninh Bình. Nhận xét về cụ, ngay đại thần Thân Văn Nhiếp, một nhà quân sự lỗi lạc, vị quan nổi tiếng cương trực, thương dân đã phải cảm thán: “người này cẩn thận, trung hậu, ngày sau tất được trọng dụng, ta chẳng sánh bằng” (văn bia). Tiếc là cụ không được sống thọ, qua đời ở tuổi mới ngoài 50 khi đang còn thênh thang hoạn lộ.

 Bài văn bia do Đặng Huy Trứ soạn.

Về nguyên do ra đời bài văn bia Dương Phước Vịnh, danh nhân Đặng Huy Trứ nói rõ, là do vợ và các con của cụ Dương đến xin. Và vì cụ Dương vừa là học trò của thân sinh cụ Đặng, vừa là quan đồng triều, và có lẽ cũng vì cảm cái tình, cái đức của cụ Dương mà Đặng Huy Trứ đã vui vẻ nhận lời chấp bút. Bài văn bia ghi lại hành trạng, đức hạnh, sự cảm mến của mọi người cũng như của chính bản thân người chấp bút gửi gắm. Tấm bia màu đá trắng, kích thước chừng cỡ 35x70cm đặt trên bệ cũng bằng đá trắng. Mặt trước là khắc bài văn bia do Đặng Huy Trứ soạn, mặt sau khắc tên tuổi, chức danh, người phụng lập…Tất cả đều bằng chữ Hán. Nét chữ còn khá rõ, lạc khoản cho biết bia được lập vào tháng 5 năm Bính Dần, niên hiệu Tự Đức. Tất cả được che bằng một mái nhà bia nhỏ nhắn đã bung vỡ, không đủ kín gió chắn mưa. Gần 1,5 thế kỷ tồn tại, thấy rất ái ngại và rất tiếc cho một văn bản, một cổ vật gốc như vậy.

Tấm bia đá ở lăng Chiêu Nghi (Thủy Xuân-Tp Huế) 

Chợt lại nhớ về tấm bia ở lăng Chiêu Nghi ( Phường Thủy Xuân-Tp Huế)- một tấm bia lớn cao trên 3m, rộng đến 1m40 và rất đẹp, khắc bài văn bia do chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát soạn, bài văn bia được đánh giá “là một áng văn hay, thể hiện được tấm lòng của đấng tôn quân dành cho vợ; nội dung mang giá trị văn học, nhân văn to lớn, thể hiện đạo lý vợ chồng và nhân cách sống của con người thời đại trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị” cũng đang trong tình trạng trơ gan cùng nắng mưa tuế nguyệt như vậy. Hay những tấm bia ở Võ miếu-một công trình đặc biệt mà chỉ Huế mới có, cũng đang cùng chung số phận…

Những tấm bia ở Võ Miếu. 

“Trăm năm bia đá cũng mòn…”, thiếu sự chăm nom, bảo vệ, những tấm bia ấy rồi cũng sẽ tiêu tán theo thời gian mưa nắng. Có thể ai đó sẽ bảo, chúng đã được chụp ảnh, được làm bản dập rồi, nên không lo. Ừ, thì không lo về mặt nội dung, hình ảnh, nhưng những cổ vật-hiện vật gốc ấy bị hư hỏng, bị tiêu tán, chẳng lẽ không đáng để nuối tiếc, xót xa cho mai hậu?

Huy Khánh