Trong một chuyến công tác qua các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dọc theo dãy Trường Sơn, tôi có dịp làm quen với Hồ Xuân Chí, 34 tuổi, người Tà Ôi tại thôn A Roi, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chí cho biết, sâu tre chỉ có trong mùa nhất định, từ tháng 9 năm này đến tháng 3 năm sau và ngay cả người bản địa cũng không dễ tìm thấy. Anh hào hứng nói: “May lắm mới ăn được món này. Không phải ai cũng có cơ hội”.
Sâu tre, hay còn gọi là sùng tre, là ấu trùng sống bên trong thân cây tre, phổ biến ở các vùng miền núi. Chúng có màu trắng, dài khoảng 3,5 – 4cm và sống nhờ các chất trong thân tre.
Đây là món ăn độc đáo và bổ dưỡng với hàm lượng đạm cao, được chế biến thành nhiều món như chiên giòn hoặc xào với lá chanh, ớt hiểm… mang đến hương vị thơm, giòn và béo bùi.
Một ngày mưa lạnh, theo cái hẹn trước đó, tôi trở lại đại ngàn để được tận mắt chứng kiến quy trình săn bắt sâu tre.
Những cây tre mà con sâu tre chọn làm “nhà” thường có thân ngả vàng, một số lóng bị ngắn lại và teo tóp.
Anh Chí giải thích, người Tà Ôi gọi sâu tre là “p’reng”, còn các dân tộc Pa Cô, Pa Hy, Vân Kiều đều có tên gọi riêng. Thu hoạch sâu tre khá khó và thường diễn ra khi tre có dấu hiệu co rút hoặc đốt tre ngắn lại. Đây là một món ăn được ưa chuộng, nhưng không phải ai cũng dễ dàng thưởng thức do hương vị độc đáo và khá đắt, có thể lên tới nửa triệu đồng/kg.
Đứng trước rừng tre lồ ô, anh Chí quan sát tỉ mỉ từng bụi tre để tìm ra cây có sâu. Những cây tre mà sâu chọn làm “nhà” thường có thân hơi vàng, một số lóng bị ngắn lại và teo tóp.
Với mắt nhìn kinh nghiệm, anh Chí phát hiện một cây có dấu hiệu đặc biệt. Anh dùng rựa sắc lẻm chặt vào thân cây để lộ ra những con sâu lúc nhúc. “May mắn thì có khi chỉ cần một cây tre là đủ một bữa ăn vì có đến 2-3 lóng chứa sâu”, anh Chí vui vẻ.
Khi trở về nhà, anh Chí rửa sạch sâu và chuẩn bị bếp củi. Anh cho hay, sâu tre có thể chế biến thành nhiều món như chiên giòn, rim mềm hoặc nấu với cháo sắn. Lần này, anh chọn cách chế biến truyền thống nhất: Xào với lá kiệu và ớt hiểm.
Anh nhấn mạnh: “Người Tà Ôi cho rằng sâu tre sạch sẽ, béo múp và trắng nõn nên không cần dùng nhiều gia vị. Chỉ một chút muối để giữ nguyên vị”. Khi dầu vừa sôi, anh cho sâu tre vào cùng lá kiệu và ớt hiểm. Mùi hương thơm lừng tỏa ra khắp căn bếp.
Không phải ai sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn, vùng A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng có cơ hội thưởng thức món sâu tre độc đáo này.
Nhìn đĩa sâu tre xào đã dậy mùi, tôi vẫn có chút ngần ngại. Anh Chí cười: “Nhiều người bảo đây là “món ăn của sự dũng cảm” vì thoạt nhìn có thể sợ, nhưng ăn rồi thì lại dễ nghiện”.
Tôi “nhón” thử một con sâu, cảm giác đầu tiên là tiếng “nổ bụp” trong miệng khi lớp vỏ mềm vỡ ra. Một chất sánh đặc bên trong trào ra vừa bùi vừa ngậy và không hề tanh.
Ớt hiểm và lá kiệu làm dậy vị khiến cho món ăn càng trở nên hấp dẫn. Sau khi nếm thử vài con, tôi dần cảm nhận được vị thanh ngọt của sâu tre. Anh Chí giải thích: “Con sâu sống trong lóng tre, ăn cật tre non, vì thế sâu tre mới có vị thượng hạng như vậy”.
Không chỉ người Tà Ôi, người Cơ Tu tại các bản làng dưới chân dãy Trường Sơn cũng có nhiều cách chế biến sâu tre, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Già làng Nguyễn Hoài Nam, đồng bào Cơ Tu, xã Hồng Hạ (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Chúng tôi gọi sâu tre là tr’zên. Món này quý, chỉ khi thật sự trân trọng khách, gia chủ mới đãi món tr’zên cùng rượu tà đin, tà vạt”. Được dùng chung với rượu truyền thống của người Cơ Tu, sâu tre trở thành món ăn đáng nhớ của văn hóa ẩm thực đại ngàn.
Trong những lần ghé thăm các bản làng ở A Lưới, Nam Đông, tôi thấy sâu tre không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn bó với người dân vùng cao.
Được chứng kiến cách người dân đi tìm, bắt và chế biến sâu tre, tôi mới hiểu vì sao họ trân quý món ăn này đến vậy. Không chỉ là một đặc sản mà thiên nhiên ban tặng, món ăn dân dã này còn là biểu tượng của sự cần cù, tôn trọng và tình yêu thiên nhiên của người dân nơi đây.
Chuyến đi lần này không chỉ cho tôi cơ hội thưởng thức một món ăn độc đáo mà còn mở ra cánh cửa tìm hiểu văn hóa sâu sắc của các dân tộc dọc dãy Trường Sơn.
Đã từng thưởng thức khá nhiều món ăn truyền thống của đồng bào vùng cao, nhưng món “sâu tre xào lá kiệu và ớt hiểm” để lại trong tôi một ấn tượng khó quên về hương vị của đại ngàn và con người nơi đây.