1. Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc. Hôm trước lúc mới vào nhận phòng, chị Hải giường bên cạnh còn nhìn chiếc khăn trùm trên đầu Trúc rồi cười. “Gỡ khăn trùm đầu xuống đi em cho thoải mái. Ở đây ai cũng như nhau mà, ngại gì”. Chị Hải không ngại, nhưng Trúc thì có. Trúc không muốn phô bày sự xấu xí của mình ra trước ánh mắt mọi người, dù đó là bác sĩ, điều dưỡng hay những người xa lạ vào thăm bệnh. Nhưng cơn đau bất chợt như nuốt chửng lấy Trúc. Cô vội gỡ chiếc khăn che đầu mình bấy lâu nay xuống. Chỉ mong chút nhẹ nhàng, thoải mái trên đầu giúp cô dễ chịu hơn một chút.

 

Ngày trước, Trúc có mái tóc dài đen mượt như nhung. Cô yêu tóc mình đến độ không bao giờ dùng dây buộc tóc vì sợ gãy. Vậy mà chỉ vừa vô đợt hóa chất đầu tiên, tóc Trúc bắt đầu rụng. Một sáng thức dậy, cô bàng hoàng nhìn chiếc gối phủ đầy một lớp tóc đen nhánh. Sự bàng hoàng càng nhân lên khi cô chỉ cần đưa tay lên vuốt tóc, từng nắm tóc cứ thế dễ dàng bị kéo xuống như chiếc lá khô xơ xác lặng lẽ lìa cành. Những hôm đầu, Trúc còn tự mình chải tóc. Đám tóc sau khi rời khỏi chân tóc, chúng rối thành một nùi, bết lại, quấn vào những sợi tóc còn lại trên đầu, gỡ mãi không ra. Mỗi một nhát lược kéo xuống lại kéo theo một nắm tóc to rời khỏi da đầu. Trúc không nỡ nhìn, đành nhờ chồng chải tóc mỗi sáng. Long có tính kiên nhẫn cực kỳ. Có thể ngồi cả buổi để gỡ những sợi tóc chết khỏi mái tóc vợ không một lời phàn nàn, cũng không chút nóng vội.

“Hay để em ra tiệm cạo hết tóc đi”. Trúc nói với Long trong một sáng khi anh ngồi chải tóc cho cô. “Tóc vẫn còn nhiều mà, cạo trọc làm gì. Lúc nào chỉ còn lơ thơ ba sợi trên đầu thì cạo cũng chưa muộn”. Long nói rồi vo tròn nắm tóc trong tay, xé tờ lịch trên tường gói lại, vứt vào sọt rác ngoài hiên nhà. Trúc nhìn nụ cười hiền khô của chồng, liền quay lưng giả vờ chỉnh sửa lại chiếc gối cho ngay ngắn, để gió từ ô cửa sổ thổi khô hơi nước ẩm ướt trên mi.

Chị Nhàn lấy khăn lau mồ hôi trên người Trúc, sợ mồ hôi thấm ngược vào người em gái gây cảm lạnh. Mỗi lần nhìn thấy Trúc đau đớn, chị Nhàn chỉ biết ngồi bên nắm tay Trúc vỗ về. Chẳng hiểu sao cái nắm tay ấy, lại khiến Trúc yên lòng. Những đau đớn cuồn cuộn trong người cũng chậm rãi dịu xuống. Tình yêu thương của chị diễn ra lặng lẽ như cái cách chị ngồi cầm cánh tay đang truyền thuốc của Trúc xoa xoa để cô bớt đau, giảm sự tê buốt khi thuốc chạy; cách chị nhẹ nhàng ngồi bóp hai chân tê cứng của Trúc; là khi chị cẩn thận đặt chiếc gối phía sau lưng Trúc khi cô ngủ, chỉ cần nằm nhích người tí xíu là có thể tựa vào.

“Mình già rồi, sống chừng đó được rồi, phải chi có thể chết để nhường cho con cái sống”. Hôm về thăm nhà, Trúc đứng ngoài hiên nghe ba ngồi một mình than thở. Chén trà trước mặt đã lạnh tanh. Ông cứ ngồi bần thần nhìn ra biền sông trước nhà đang phủ mưa trắng xóa. Trúc thấy lòng nghẹn thắt. “Trời ơi, ba lo làm chi. Bây giờ ung thư chữa được mà, không có ghê gớm như hồi xưa đâu ba. Con chắc chắn sẽ sống lâu hơn cả ba đó”. Nhìn mái tóc trở nên trắng xóa của ba, kể từ lúc đứa con gái phát hiện bị ung thư, cô nghèn nghẹn ôm đôi bàn tay khô gầy đã một đời vất vả.

2. Chị Hải kể với Trúc, ngày xưa chị cũng mê tóc dài dữ lắm. Như sợ Trúc không tin, chị cho Trúc xem ảnh trên điện thoại. Trúc bần thần nhìn người phụ nữ cười trong veo bên bãi biển đầy nắng. Giờ nụ cười của chị cũng vậy, ánh mắt vẫn long lanh đầy tự tin, nhưng gương mặt hốc hác vì sụt ký nhiều. “Khi biết phải vào hóa chất, chị liền đi hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư. Bao nhiêu bệnh nhân nữ trong thời gian hóa trị, họ ao ước được đội lên đầu mái tóc giả để được tự tin hơn khi bước ra ngoài. Nhưng mà chị rụng hết tóc là để vậy luôn, không thèm đội tóc giả. Con bé nhà chị ngày nào cũng ngọng nghịu ghẹo chị “mẹ không có chóc, mẹ không có chóc” rồi phì cười. Nó ba tuổi mà vẫn còn nói chớt á em. Ít bữa vô thuốc xong, tóc mọc đẹp lại liền à”. Chị Hải nói tỉnh queo, tay đưa lên đầu vuốt làn da nhẵn thín.

Bữa chị ốm, biết sắp vô thuốc, bạn bè cứ dặn mai mốt phải nhớ đội tóc giả. Mấy người bạn còn tặng chị khăn trùm đầu điệu đà nhất, rồi cả tóc giả nữa. Tụi nó đều bảo, sao để bệnh nhân sắm sửa mấy thứ này được, rồi cười vang khi dúi quà cả vào tay chị. “Nhớ đội vào, để tụi nhỏ khỏi lo lắng. Chứ tự dưng thấy mẹ trọc lóc, hai đứa nhỏ sốc tội”. Chị nghe lời bạn thủ thỉ dặn, lòng chợt thắt lại khi nghĩ đến hai đứa con. “Mọi người nói chị kiên cường. Thực ra kiên cường gì đâu em ơi. Chẳng qua là mình biết điều chỉnh tâm lý để thích nghi hoàn cảnh ấy mà. Nếu chị không bình tĩnh đối mặt, không tự vực dậy tinh thần, bố mẹ già, chồng con chị biết làm sao. Có những đêm nằm, nghĩ về con cái, nước mắt đảo quanh trên vành mắt, chị phải cố hít thở thật sâu, rồi nghĩ về những điều tích cực hơn. Chị nghĩ về mọi thứ, trừ nỗi đau thân thể đang gánh chịu. Cứ thế, nỗi buồn bệnh tật bị chị ngó lơ, không còn dịp để bào mòn tâm trí mình”. Tiếng chị Hải rổn rảng kéo Trúc khỏi những suy tư khi cô cứ nằm nhìn chăm chăm bên ngoài khung cửa. Chiều mùa hè, giữa bầu trời xanh ngắt là những cánh chim thong dong chao liệng. Qua khung cửa đóng kín mà như nghe được cả tiếng líu ríu của lũ chim trời đang rộn rã sải cánh tự do. Mà ở trong này, là những gương mặt hằn rõ sự đau đớn, bao nhiêu dây dợ gắn trên người, ghì chặt họ trên chiếc giường trải ráp trắng muốt, xộc lên mùi ete khó ngửi.

Phòng bệnh có 6 người, nhưng chị Hải vui tính và nói nhiều nhất. Để có tiền chữa bệnh cho chị, hai vợ chồng đã bán hết hai rẫy keo tràm. Chị nói, nếu không đủ tiền, sẽ cầm sổ đỏ căn nhà đang ở. “Nhà ở quê không có giá lắm, nhưng cầm cũng được vài trăm triệu. Miễn còn người là còn của. Người khỏe thì kiếm lại của sau phải không em”. “Nhưng lỡ người mất. Nhà cũng không còn cho con ở” – bà cụ Diệp nằm giường bên cạnh thở dài.

Cụ Diệp vào nhập viện sau Trúc một hôm. Bệnh đã di căn vào xương. Trúc thường nằm lắng nghe mọi người trong phòng trò chuyện. Có bữa, Trúc nghe chị Hải nói chuyện với cụ Diệp: “Năm nay cụ mấy tuổi rồi ạ? Dạ 79 tuổi luôn. Ôi chao, con phải sống 34 năm nữa mới bằng được tuổi cụ bây giờ đó”. Sau lần trò chuyện đó, Trúc không còn nghe cụ Diệp than thở: “Ôi chao, sợ không còn sống được mấy nữa” khi ai đó hỏi thăm. Thi thoảng, Trúc sẽ nghe bà cụ nói với mọi người: “Bà già rồi, con trai con gái đều lập gia đình hết rồi, cháu ngoại, cháu nội đủ cả. Sống đến đây cũng mãn nguyện rồi. Chỉ thương mấy đứa bây, còn trẻ quá mà đã bị bệnh này”.

Cụ Diệp hết buồn, nhưng mỗi lần Trúc nghe cụ chép miệng nói “Tụi bây còn trẻ quá” là Trúc lại quay đầu len lén lau nước mắt. Biến cố ập đến bất ngờ khiến Trúc hoang mang. Bao nhiêu dự định ấp ủ cho tương lai đều phải hoãn lại. Chưa kể khoản chi phí chữa bệnh khổng lồ như đè ép cả thể xác lẫn tinh thần Trúc. Mỗi ngày cô đều tự nói với chính mình, phải nỗ lực cố gắng, phải vui vẻ lên, lạc quan lên. Nhưng khi đối mặt với bóng đêm, những nỗi sợ có khi bất chợt ập đến đánh úp cô. Nỗi sợ hãi khi không được đồng hành cùng con trưởng thành, rồi lo lắng cha mẹ sẽ đau lòng nhường nào khi cô rời bỏ thế gian.

“Mình suy sụp, chỉ khiến người thân thêm đau khổ thôi em ạ. Hồi trước người yêu biết chị bị K thì anh ấy chia tay. Chị một mình xuống đây chữa bệnh rồi quen chồng chị bây giờ. Hai đứa nhỏ nhà chị năm này cũng 10 tuổi rồi. Lần này bệnh tái phát nên chị vào điều trị lại”. Chị Linh kể với Trúc khi chuẩn bị đồ để xuất viện. “Lưu số chị rồi phải không? Nhớ add zalo nữa nghe. Mai mốt có gì lo lắng, cứ kể chị nghe. Chị kinh nghiệm đầy mình đây”. Trúc nhìn nụ cười của chị Linh mà thấy lòng cũng vui theo. Dường như, chỉ khi đối mặt với biến cố, mỗi người mới thăm dò được giới hạn của chính mình. Mà sức chịu đựng của mỗi người, dường như là vô hạn, chẳng bao giờ chạm được đến ranh giới cuối cùng.

Chồng Trúc nói, tối nay sẽ chở hai đứa nhỏ vào bệnh viện thăm Trúc chứ ba cha con nhớ mẹ lắm rồi. Trúc nghe giọng nói ấm áp của chồng qua điện thoại. Mấy ngày này nắng to, xưởng nước đá của chồng Trúc việc tăng gấp đôi khiến anh không dứt ra được. May có chị Nhàn theo Trúc vào viện. Chồng Trúc ở nhà lo công việc và chăm con. “Sắp gặp người yêu có khác”, chị Hải nháy mắt trêu Trúc, khi thấy cô lấy thỏi son trong giỏ tô nhẹ lên đôi môi nhợt nhạt và khô nứt.

Trúc cười mà mi mắt rớm nước. Nhưng đó là nước mắt của hạnh phúc ấm áp. Trong phòng bệnh này, cùng động viên nhau vượt lên nỗi sợ hãi, đau đớn, mọi người đã coi nhau như người thân, đã nhận được biết bao nhiêu tình yêu thương đầy đặn.

Ngoài ô cửa, có mây nhẹ tênh và nắng ấm áp.

Lê Hà