Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng nay (14/11), vị trí tâm bão số 8 Toraji trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 5km/h.
Như vậy, so với ngày hôm qua, bão số 8 tiếp tục có dấu hiệu suy yếu.
Các chuyên gia nhận định, trong 24 giờ tới, bão số 8 sẽ đổi hướng Tây Nam, di chuyển chậm và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7h sáng mai (15/11), tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, với cường độ giảm xuống cấp 6, giật cấp 8.
Trong ngày và đêm 16/11, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 tiến về vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần trên biển, không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Do ảnh hưởng của bão số 8, vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7-8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-3m, vùng gần tâm bão 3-5m, biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh và sóng lớn.
Ngoài ra, ở phía đông của Philippines đang có cơn bão Usagi và bão Manyi hoạt động mạnh. Trong đó, bão Usagi ở gần Biển Đông hơn và mới xuất hiện sau nên được đánh số thứ tự là 25.
Các chuyên gia nhận định, cơn bão này vẫn có khả năng đi vào Biển Đông nhưng xác suất không cao. Theo các mô hình dự báo, bão sẽ đi lên phía bắc của đảo Lu Dông (Philippines) vào khoảng ngày 14/11 sau đó đi về hướng Đài Loan (Trung Quốc), gặp không khí lạnh và suy yếu.
Đáng lưu ý, ngoài khơi Philippines, bão Manyi hình thành trước đó (số thứ tự 24) và theo nhận định ở thời điểm hiện tại, xác suất vào Biển Đông cao hơn bão Usagi, có thể trở thành bão số 9 trong mùa bão năm nay.
Theo mô hình dự báo của Mỹ, bão Manyi có thể đạt cấp siêu bão. Khi vào gần đến đảo Lu Dông có thể đạt tới cấp 17, giật cấp 18. Khoảng đầu tuần sau (ngày 18/11), khi vượt qua đảo Lu Dông để vào Biển Đông trở thành bão số 9, có thể vẫn còn mạnh cấp 13, giật cấp 15-16.
Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng nhận định, thời gian tới, phía bắc có những đợt không khí lạnh tăng cường xuống phía nam sẽ ảnh hưởng đến đường đi và cường độ của bão, nên cần theo dõi và cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Như vậy, trong tháng 11 này, cùng với sự tồn tại của bão Yinxing trước đó, trên vùng biển tây Thái Bình Dương tồn tại cùng lúc 4 cơn bão. Riêng Việt Nam, nếu đón thêm bão Manyi, thì trong tháng này cũng liên tiếp 3 cơn bão, nhiều hơn 1 cơn so với trung bình nhiều năm.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản đánh giá, hiện tượng cùng lúc xuất hiện 4 cơn bão này là hiếm hoi và lần gần nhất là 73 năm trước. Một trong những nguyên nhân là do nước biển ấm hơn, tạo điều kiện thuận lợi hình thành những cơn bão.
Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Nắng mạnh đến 33 độ, sắp có không khí lạnh
Bão số 8 suy yếu, hai bão Usagi và Man-yi nối đuôi nhau gây tình hình phức tạp
Theo tin bão mới nhất, trong khi bão số 8 (Toraji) được dự báo suy yếu dần trên Biển Đông thì 2 cơn bão Usagi và Man-yi nối đuôi nhau hoạt động.