Trong những năm qua, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc của các địa phương, đơn vị.

Ðặc biệt, để nâng cao chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra giải pháp thiết thực trong tổ chức thực hiện tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng quy định của pháp luật; chú trọng tuyển chọn công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học có ngành nghề phù hợp với nhu cầu bố trí, sử dụng nhằm tuyển chọn nguồn công dân nhập ngũ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, với nỗ lực cao nhất, Bộ Quốc phòng thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách, công tác hậu phương quân đội trong khả năng tối đa có thể đối với hạ sĩ quan, binh sĩ về vật chất, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Quân đội.

Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác tuyển quân ở một số địa phương, cơ sở chưa đăng ký, quản lý hết nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ do công dân đi làm xa, chưa đăng ký hết tạm vắng, đăng ký di chuyển khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập.

Chế độ trợ cấp, tạo việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ còn thấp so với thu nhập chung của người lao động phổ thông và mặt bằng chung của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa thật sự tích cực; sự phối hợp của các cơ quan cùng cấp ở một số địa phương cấp huyện chưa thật sự chặt chẽ trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nghĩa vụ quân sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển quân…

Ðiểm mới trong công tác tuyển quân năm 2025 là: Những năm trước đây, quy định khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự chủ yếu khám lâm sàng, trường hợp cần thiết mới quyết định xét nghiệm cận lâm sàng. Ðã xảy ra trường hợp: Sau khi nhận quân, các đơn vị của Quân đội tiến hành phúc tra sức khỏe, triển khai các xét nghiệm cận lâm sàng đã phát hiện các bệnh lý về nội, ngoại khoa mà khi khám ở địa phương không thể phát hiện qua khám lâm sàng, dẫn đến không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phải bù đổi, loại trả gây tốn kém về ngân sách, thời gian của đơn vị, địa phương và ảnh hưởng đến tâm lý công dân và gia đình.

Trước thực tế đó, ngày 6/12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Theo đó, về tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 thực hiện theo quy định tại Ðiểm a, Khoản 1, Ðiều 4 Thông tư số 105; riêng tiêu chuẩn về mắt vẫn thực hiện theo quy định tại Ðiểm c, Khoản 3, Ðiều 4 Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4/10/2018 của Bộ trưởng Quốc phòng; về nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bao gồm khám thể lực, lâm sàng theo các chuyên khoa và khám cận lâm sàng.

Do vậy, việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới năm 2025 được thực hiện chặt chẽ, thống nhất giữa địa phương và đơn vị, từ đó sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc bù đổi, loại trả công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

Thời gian từ nay đến ngày các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức lễ giao nhận quân năm nay đã cận kề. Ðể ngày giao nhận quân thật sự là ngày hội, các địa phương giao quân cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác tuyển quân.

Các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự, các quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; làm tốt công tác bảo đảm cho công dân nhập ngũ, công tác phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới, thực hiện bù đổi đúng quy định (nếu có).

Theo nhandan.vn