Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Tết nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực.
Tổng hợp báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương cho thấy toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.500 tỷ đồng , trong đó ngân sách trung ương là gần 646 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.379 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là 2.737 tỷ đồng.
Về công tác chăm lo Tết cho người có công với cách mạng, Chủ tịch nước tặng quà cho 1.660.924 đối tượng với tổng kinh phí là trên 506,75 tỷ đồng, tùy thuộc vào đối tượng cụ thể sẽ có hai mức quà tặng là 600.000 đồng/đối tượng và 300.000 đồng/đối tượng.
Chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động bố trí ngân sách hoặc vận động nguồn lực xã hội tặng quà tết cho người có công với cách mạng. Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công khoảng 2.745 tỷ đồng (tăng 745 tỷ đồng so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024).
Công tác hỗ trợ gạo cứu đói dịp Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025 cũng đã được triển khai. Tính đến ngày 24/1, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 quyết định hỗ trợ tổng số trên 6.876 tấn gạo cứu đói cho 104.315 hộ với 458.401 nhân khẩu thiếu đói dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025 cho các tỉnh: Gia Lai, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum, Hà Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Tuyên Quang và Sóc Trăng.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về hỗ trợ Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó tập trung vào các nội dung: Tặng quà cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương phổ biến là từ 300.000 – 500.000 đồng/đối tượng. Mức hỗ trợ cho người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tăng bình quân từ 10 – 15% so với năm 2024. Một số địa phương đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ ở mức cao hơn.
Các món quà Tết dù về vật chất chưa phải thực sự lớn nhưng mang đầy ý nghĩa, giá trị về tinh thần, là sự sẻ chia kịp thời của chính quyền, cộng đồng và xã hội, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo không để ai bị bỏ lại phía sau, không để người dân nào không có Tết. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai phong trào xóa nhà tạm có hiệu quả tích cực, nhiều người dân đã được hỗ trợ để đón Tết trong các căn nhà mới (đến nay đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 87.207 căn nhà).
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố, trên 1,07 triệu lượt người cao tuổi được chúc thọ và tặng quà Tết với tổng trị giá trên 600 tỷ đồng. Khoảng 770.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo… đã được thăm hỏi, tặng quà Tết với tổng kinh phí trên 404 tỷ đồng . Gần 1,85 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ, tặng quà Tết với tổng trị giá trên 1.091 tỷ đồng. Gần 1,64 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà Tết với tổng trị giá gần 754,4 tỷ đồng./.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/bao-dam-an-sinh-xa-hoi-dip-tet-chi-hon-7500-ty-dong-de-ho-tro-tang-qua-150431.html