Sáng nay 26/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức trọng thể đồng thời tại Nhà tang lễ Quốc gia – số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà – thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) từ 7h đến 13h.

Dù chưa đến giờ vào viếng nhưng từ sáng sớm 26/7, hàng nghìn người cũng đã đến xếp hàng dài hàng trăm mét trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, kéo dài từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến cổng Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh).

Nhiều người dân không giấu nổi cảm xúc khi đến viếng tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Trong dòng người chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,  có nhiều cụ lớn tuổi không tự đi được, phải nhờ người nhà đẩy xe lăn. Nhiều người cũng đã rơi nước mắt khi xếp hàng để vào viếng Tổng Bí thư.

 Bà Huỳnh Thị Châu (92 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), 75 năm tuổi Đảng, nhờ người nhà đẩy xe lăn vào Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Mạnh Linh – Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

 

 Người nhà đưa cô Nguyễn Khánh Nam (80 tuổi, ngụ quận Tân Bình) vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Mạnh Linh – Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Sáng 26/7, bà Đặng Thị Phúc, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm nay đã 92 tuổi, sức khỏe đã giảm nhiều nhưng vẫn đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) để được tiễn biệt học trò lần cuối.

 

Bà Đặng Thị Phúc,  giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm nay đã 92 tuổi đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) để được tiễn biệt học trò lần cuối 

 

Sáng 26/7, trên các tuyến phố dẫn vào Nhà tang lễ Quốc gia như: Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông, Trần Thánh Tông, các tầng lớp nhân dân vẫn tiếp tục xếp hàng chờ vào viếng, tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Dòng người dân xếp hàng trên các tuyến phố  ở Hà Nội chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức
Tại điểm viếng Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), nhiều gia đình đã đưa con nhỏ cùng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một người dân cho biết, sở dĩ gia đình cho con nhỏ theo là để con được biết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó học tập, noi gương theo cốt cách, tinh thần của Tổng Bí thư.

 

 

 

 Nhiều gia đình dắt theo con nhỏ để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.

Ảnh: Mạnh Linh – Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội), sáng 26/7, người dân xúc động bày tỏ nỗi buồn thương tiếc  khi chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 
Nỗi buồn thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của người dân trong lễ viếng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: TTXVN 

Sáng 26/7, nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh (sinh năm 1935), nguyên giáo viên dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến viếng Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

 Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh viếng Tổng Bí thư tại quê nhà. Ảnh: TTXVN
Nhà giáo  Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh ghi sổ tang. Ảnh: TTXVN  

Về viếng Bác Trọng ở Hà Nội còn có 37 phụ nữ dân tộc Tày.  “Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Vượt hàng trăm cây số, đi xuyên đêm, 37 người phụ nữ dân tộc Tày với niềm kính trọng, sự tiếc thương vô hạn nhà lãnh đạo tài ba đã đến với mảnh đất Đông Anh trọng tình nghĩa, vẹn ân tình. Nhiều người trong số họ đã không ăn sáng để kịp vào tiễn biệt Tổng Bí thư thật sớm.

 Đoàn phụ nữ dân tộc Tày (tỉnh Lào Cai) thành kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Đến trưa 26/7, dòng người vẫn không ngừng đổ về Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tất cả đều bày tỏ những tình cảm chân thành, đầy xúc động, nghẹn ngào trong giờ phút tiễn biệt Tổng Bí thư.

 
Trong 2 ngày diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25 – 26/7/2024), tại Hà Nội, lực lượng kiểm soát quân sự luôn chủ động, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là người cao tuổi và thương binh, vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Lực lượng quân đội và thanh niên tình nguyện hỗ trợ một nữ cựu chiến binh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Trưa 26/7, dù tiết trời nắng gay gắt hơn nhưng không vì thế có thể ngăn bước dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Lực lượng bảo vệ và tình nguyện viên đã phải làm việc hết mình để hướng dẫn dòng người vào viếng.

Càng về trưa, lượng người đổ về Hội trường Thống Nhất càng đông. Ảnh: Mạnh Linh – Hoàng Tuyết/Báo Tin tức 

 

TS (tổng hợp)