Tập sách Nỗi niềm Áo trắng của tác giả Nguyên Phương |
Tác giả Nguyên Phương là cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng, người có 30 năm đứng trên bục giảng và nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý học sinh. Bằng tâm thế của người trong cuộc, chị rút ruột viết về những gì mình lắng nghe, quan sát, thấu cảm với mong muốn đồng hành, sẻ chia cùng các em tuổi teen, cùng phụ huynh, thầy cô giáo và những ai đồng hành cùng các em tuổi mới lớn.
Thế giới tâm sinh lý của lứa tuổi dậy thì, tuổi không còn trẻ con mà cũng chưa hẳn người lớn, tuổi ẩm ương vô cùng phức tạp. Tâm tính thay đổi, có biết bao điều cần tâm sự, giãi bày. Nhu cầu gỡ rối là vô cùng cần thiết. Thực ra, ai cũng biết tuổi mới lớn có nhiều điều khó nói, có những băn khoăn ngại tâm tình, có những vướng mắc khó tự mình giải quyết. Xung quanh các em có những người thân yêu như bố mẹ, anh chị, thầy cô… nhưng không phải với ai các em cũng dễ mở lòng. Tuổi teen thì ngại hỏi, người lớn thì ngại vẽ bày, nhất là những vấn đề nhạy cảm, khó nói… Bởi tâm lý ai cũng nghĩ rằng, đó là điều thầm kín, tế nhị. Vì thế mà những nội dung câu chuyện trong Nỗi niềm thời áo trắng tác giả Nguyên Phương đề cập đến không phải là những gì xa lạ, to tát mà là những chuyện bình dị đời thường mà lứa tuổi học trò hay gặp phải.
Đọc, giật mình và chiêm nghiệm, 17 câu chuyện đủ minh chứng cho những góc khuất, những nỗi niềm tâm sự đầy vơi của các em học sinh. Nguyên Phương tái hiện những góc khuất nơi cõi lòng sâu kín, trong cuộc sống hàng ngày của tuổi ô mai. Những điều khó nói, những tâm tư khó chia sẻ, những buồn vui ẩn giấu, những rối rắm day dứt… của những cô những cậu mới lớn đã được cô giáo lắng nghe, đồng cảm, xoa dịu và phần nào tháo gỡ. Đó là chuyện về một bé gái bị xâm hại; về một tên thợ ảnh bày trò đểu cáng với cô nữ sinh hồn nhiên, trong sáng; là những ám ảnh khi tuổi teen phải chứng kiến những rạn nứt tình cảm, cách ứng xử sai lầm của người lớn…
Lật giở từng trang sách, mỗi chúng ta không thể không dừng lại ở những nhan đề có sức ám ảnh, gợi sự tò mò: Lời tỏ tình đầy cám dỗ; Vượt quá giới hạn; Bắt cá hai tay; Tên biến thái nặc danh; Bức thư đẫm nước mắt; Bước ngoặt cuộc đời… Mỗi câu chuyện là một “lát cắt” của hiện thực cuộc sống. Mỗi trang sách tái hiện một sự thật khó nói, chua chát, đáng thương… của tuổi mới lớn và tôi ấn tượng hơn cả là cuối mỗi câu chuyện tác giả đặt ra câu hỏi nếu rơi vào tính huống đó bạn sẽ làm gì và đưa ra những lời khuyên dành cho tuổi teen rút ra kinh nghiệm để các em biết cần làm khi gặp phải những tình huống tương tự.
Viết Nỗi niềm thời áo trắng, Nguyên Phương mong muốn: “Nếu bố mẹ khó gần gũi để chuyện trò cùng con, khó giáo dục con những vấn đề nhạy cảm… thì có thể mượn những câu chuyện trong Nỗi niềm thời áo trắng để nói với con. Riêng với tuổi teen, từ những tình huống trong câu chuyện mà các con có thêm kinh nghiệm để giải quyết các tình huống khác. Mỗi câu chuyện kể sẽ giúp các con hiểu rằng trong cuộc sống, nếu vượt qua những giới hạn cho phép có khi dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Và ngược lại, khi đối mặt với hậu quả, mỗi bạn trẻ cũng biết cách giải quyết thế nào để vượt qua”.
Nỗi niềm thời áo trắng thật sự là món quà ý nghĩa, là những chỉ dẫn, gợi ý khéo léo, tinh tế để chúng ta cùng nhau xây đắp vườn hoa tâm hồn tuổi teen luôn tươi đẹp và tỏa hương thơm, kết trái ngọt cho cuộc đời. Đây thật sự là cẩm nang cần thiết cho mỗi gia đình, cho các thư viện, cho các nhà trường, các giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/an-tuong-voi-tap-sach-noi-niem-thoi-ao-trang-149814.html