Anh Tiến cùng vợ vá lưới, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt sắp tới

Chúng tôi cùng Thượng úy Lê Đức Anh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đến nhà anh Tiến vào buổi sáng mưa mù mịt. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên tất cả tàu thuyền đều không thể ra khơi. Câu chuyện bám biển được hào hứng chia sẻ khi anh Tiến cùng vợ miệt mài vá lưới.

Ngư dân dày dặn sóng gió này nói rằng, nghề biển đã thấm sâu vào máu. Bởi từ lúc 12 tuổi, anh đã theo cha ra biển, làm những công việc phù hợp với sức lực.

Chừng vài năm sau, khi đôi tay đã đủ mạnh để kéo lưới, anh Tiến bắt đầu đi “bạn”. Sóng gió, bão tố của biển khơi đã nhanh chóng hun đúc, tôi luyện anh thành ngư dân dày dạn kinh nghiệm, có thể nhìn nước, nhìn gió, nhìn trời mà đoán được luồng cá dưới biển sâu. Đến năm 17 tuổi, anh đã là thuyền trưởng bản lĩnh, tự tin điều khiển chiếc tàu nhỏ của cha mẹ, ra khơi.

Tích cóp được một số vốn, ngư dân trẻ Lê Văn Tiến mạnh dạn vay thêm ngân hàng, sắm tàu lớn; trở thành “ông chủ” của chiếc tàu công suất gần 800 CV, chiều dài gần 17 mét, đánh bắt xa bờ, chinh phục những luồng cá tôm dồi dào, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 10 bạn thuyền.

Mùa biển êm, mỗi tháng tàu anh Tiến ra khơi tầm 2, 3 chuyến. Mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 5-7 ngày, doanh thu vài trăm triệu đồng. Riêng những chuyến đến vùng biển Hoàng Sa kéo dài từ 10-15 ngày dù có vất vả, hiểm nguy hơn, song quan trọng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Gắn bó với biển hơn 30 năm, chịu thương, chịu khó chắt chiu con cá con tôm từ biển cả, từ căn nhà nhỏ chật hẹp, xập xệ hồi vợ chồng mới ra riêng, giờ vợ chồng anh Tiến đã xây được ngôi nhà mới, rộng rãi, khang trang, chắc chắn.

Những chia sẻ đầy tâm huyết của ngư dân dày dặn, rằng biển bao dung nhưng cũng đầy bất trắc, hiểm nguy khi cuồng phong bất chợt, nhưng chưa bao giờ anh Tiến run sợ hay có ý định bỏ nghề. Chợt nhớ đến câu nói của Vincent Van Gogh, một họa sĩ người Hà Lan: “Các ngư dân biết rằng biển rất nguy hiểm và bão thật đáng sợ, nhưng họ chưa bao giờ thấy những nguy hiểm đó là đủ để chùn chân ở lại trên bờ”.

Nở nụ cười mộc mạc, anh Tiến bộc bạch: “Càng ngày, ngư trường càng khó khăn hơn, nhưng cũng như rất nhiều ngư dân trên địa bàn, tình yêu dành cho biển cả cũng gắn liền với niềm tự hào và trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vậy nên, dù đối mặt với sóng to gió lớn hay những mối hiểm nguy khác ngoài khơi xa, chúng tôi cũng vẫn bám biển. Mỗi chuyến đánh bắt mang lại cá tôm để ngư dân phát triển kinh tế, đồng thời mỗi con tàu ra khơi là cột mốc sống, chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo”. 

Với tinh thần trách nhiệm đó, nhiều năm qua, ngư dân Lê Văn Tiến làm tốt nhiệm vụ tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn trên biển; thành viên tổ dân quân tự vệ trên biển. Theo Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải (Phú Vang): Những ngư dân biết bám biển để phát triển kinh tế, đặc biệt lan tỏa tình yêu và trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo bằng hành động thiết thực như anh Tiến, rất đáng trân trọng, là tấm gương được lực lượng bộ đội biên phòng và địa phương ghi nhận.

Bài, ảnh: HÀ LÊ