Du khách trải nghiệm đan chiếu Âmber cùng người dân |
Bước vào mùa mưa, thời điểm này, homestay Hương Danh vẫn đón các nhóm khách trong, ngoài nước. Trên hành trình trở lại A Roàng, tôi vô tình gặp ông Nguyễn Cao Anh, 77 tuổi, từ miền Nam xách xe rong ruổi trên đường Trường Sơn. Ghé A Roàng trải nghiệm nhiều lần, ông bảo: “Tôi thích sự yên tĩnh, hoang sơ, bình dị, người dân chân chất, mộc mạc. Văn hóa bản địa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sức hấp dẫn riêng nên tôi chọn nơi đây làm điểm dừng chân trong chuyến phượt vùng cao”. Cùng sở thích núi rừng, 4 người nhà ông Thomson, người Mỹ đến A Roàng lưu trú qua lời bạn bè giới thiệu. Gia đình ông được tắm suối nước nóng, thưởng thức ẩm thực rau rừng, cá suối, cùng đan chiếu Amber, dệt dzèng… Ông Thomson chia sẻ: “Các con tôi thích đánh chiêng và múa hát cùng nghệ nhân trong đêm, tôi cảm thấy đây là những trải nghiệm quý báu; nhất là học kỹ năng sống, tôn trọng mẹ thiên nhiên của đồng bào vùng cao”.
Với dạng thời tiết này, A Roàng vẫn tự tin đón khách tham gia trải nghiệm văn hóa cộng đồng, trò chuyện tìm hiểu nếp sống, tham gia các nghề thủ công truyền thống… Tận dụng lợi thế, các tour thiết kế gồm nhiều hoạt động đặc thù, tạo cho khách sự háo hức, lôi cuốn. Bằng chứng là rất nhiều nhóm khách trong, ngoài nước chia sẻ thông tin, truyền tai nhau đến khám phá du lịch ở vùng đất hoang sơ này. Anh Viên Đăng Phú, quản lý homestay Hương Danh thông tin: “Mùa hè tour suối thác và rừng nguyên sinh là điểm đến hấp dẫn; mùa mưa thì ẩm thực, khám phá nếp sống, trải nghiệm văn hóa. Từ năm 2016, mình bắt đầu quảng bá du lịch địa phương trên mạng xã hội. Giờ thì duy trì đều đặn đăng hoạt động, nhờ bạn bè chia sẻ, quảng bá qua facebook, tiktok, zalo, google. Phương châm nhà mình là phục vụ nhiệt tình, chu đáo và luôn lắng nghe, điều chỉnh nhằm tạo ra sản phẩm hoàn thiện”.
Khám phá đời sống nông nghiệp vùng cao A Roàng |
Hình ảnh khách nước ngoài nhổ sắn, ăn cưới, làm ruộng… theo kiểu nông dân vùng cao do anh Phú đăng tải tạo nên sự thích thú cho nhiều người. Gần đây, kết hợp với các hãng lữ hành, Hội Lữ hành tỉnh, nhiều đoàn khách chọn A Roàng là nơi khám phá bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số phía tây Huế. Thống kê sơ bộ của UBND xã A Roàng cho thấy, từ đầu năm đến nay, có khoảng 1.000 du khách tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần làm thay đổi đời sống người dân nơi đây. Chị A Viết Thị Mai ở thôn A Roàng 2 vui mừng: “Có du lịch, đồng bào mình quảng bá và bán thêm được một số mặt hàng thủ công, nông sản địa phương. Xóm làng rộn ràng hơn khi có khách du lịch đến, nhất là trong chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống của đồng bào, mọi người đều kéo nhau đến homestay, nhà cộng đồng xem chung sôi nổi lắm”.
Còn tại homestay Hương Danh, hầu như tuần nào cũng đón khách. Homestay này tạo công ăn việc làm cho hơn 20 người, trong đó có một số nghệ nhân. Ông Kun Phên, người phụ trách đội văn nghệ người cao tuổi, bảo rằng: “Tiền bồi dưỡng không quan trọng, cái chính là được mang lời ca tiếng hát đến với mọi người. Lũ trẻ đến xem nhiều sẽ nhớ giai điệu này nhiều; còn người lớn có cơ hội ôn bài, múa hát nhuần nhuyễn”.
Những khởi sắc trong năm nay là tín hiệu vui cho “công nghiệp không khói” ở A Roàng. Trước mắt, còn nhiều việc cần làm để cộng đồng làm du lịch A Roàng ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc đón khách. Mới đây, chị Lê Thị Châu Quỳnh, giám đốc một dự án liên quan đến bảo tồn nghề truyền thống đưa giáo sư người Ý lên trải nghiệm du lịch A Roàng. Chị phân tích những điểm khách thích trong chuyến đi, đồng thời cũng chỉ ra một số điểm cần khắc phục như tình trạng ô nhiễm âm thanh khi nhiều đoàn lưu trú cùng lúc; cải thiện chất lượng nhà vệ sinh theo kiểu khép kín, thuận tiện di chuyển; thực đơn giới thiệu món ăn cần tăng cường chú thích hình ảnh, thông tin để khách hiểu món đó là gì và giá trị của nó ra sao…
Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin A Lưới, sức hút của du lịch A Roàng mà cả huyện không có đó là rừng nguyên sinh, nước khoáng nóng, cách thức khai thác rượu đoác. Nhiều người dân xã này hưởng ứng tích cực phát triển du lịch, trong đó chủ yếu là bà con các dân tộc. Năm 2024, Phòng Văn hóa thông tin tổ chức tập huấn về bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch; các mô hình du lịch cộng đồng; kỹ năng thuyết minh điểm du lịch; kỹ năng quản lý điều hành điểm du lịch cộng đồng. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho người làm du lịch địa phương tham quan, học tập tại TP. Huế, tham gia Hội chợ Du lịch tại Quảng Nam học hỏi kinh nghiệm. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập huấn kỹ năng tính giá vốn và kỹ năng pha chế đồ uống cho các điểm du lịch cộng đồng. Phòng sẽ đồng hành, hỗ trợ tích cực để đẩy mạnh du lịch cộng đồng cho nhiều đơn vị, trong đó có A Roàng”, bà Thêm khẳng định.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/du-lich/a-roang-xa-van-co-suc-hut-148275.html