Mô hình trồng hoa trong nhà kính ở A Lưới mang lại hiệu quả kinh tế 

Thêm nguồn lực để phát triển

Ban Dân vận Thành ủy cho biết, trước đây, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tập trung nhiều vào các phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, an sinh xã hội. Thời gian qua, phong trào “Dân vận khéo” tăng nhiều ở các lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Nhờ làm tốt công tác dân vận đã giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp; qua đó, xuất hiện nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả.

Tiêu biểu có thể kể đến các mô hình trồng sen – nuôi cá; nuôi cá dìa, kình, mú, tôm ở huyện Phú Vang; mô hình trồng rừng kinh tế, chăn nuôi dê, gà theo hướng gia trại; “Vườn mẫu” trồng hoa và rau công nghệ cao trong nhà kính ở huyện A Lưới; mô hình tổ liên kết nuôi gà thả vườn, trồng cam, dứa; xây dựng trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi ở huyện Phú Lộc; mô hình nuôi ốc bưu đen, gia công lưới cước, trồng thanh trà ở thị xã Phong Điền; mô hình trồng sen, nuôi gà, vịt bằng đệm lót sinh học ở thị xã Hương Trà…

Ông Hồ Quyết Thắng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy A Lưới đánh giá, trong thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH, bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển, việc phát huy vai trò các mô hình “Dân vận khéo” được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng. Tiêu biểu như mô hình “15+01” (15 hộ khá giả giúp cho 1 hộ nghèo); “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, “Ngôi nhà 5.000 đồng”… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hạ tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Ông Nguyễn Viết Hùng, cán bộ Công an xã Đông Sơn, huyện A Lưới, người được biết đến là cán bộ phát huy tốt vai trò, thực hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” để thúc đẩy KT-XH ở địa phương cho biết, muốn làm tốt công tác dân vận thì phải xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương; cần phải xem có đáp ứng được sự phát triển KT-XH, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương như thế nào… Khi mô hình phù hợp điều kiện thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của người dân thì việc huy động các nguồn xã hội hóa sẽ được nhiều người ủng hộ, mức độ hiệu quả sẽ cao và thuận lợi trong công tác triển khai.

UVTV Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Chí Tài đánh giá: Qua việc đăng ký, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện phong trào phát triển KT-XH ở các địa phương; thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận Nhân dân; giúp người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Tạo chuyển biến

Theo đánh giá của Ban Dân vận Thành ủy, hiện nay phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện phong trào có nơi, có việc còn thiếu đồng bộ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” chưa thường xuyên, liên tục. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động rà soát, đánh giá những mô hình không còn hiệu quả thiết thực đến sự phát triển KT-XH của địa phương.

Bên cạnh những hạn chế, thực tiễn đặt ra là công tác dân vận ở thành phố Huế đang bước sang giai đoạn mới, khi thành phố Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vai trò công tác dân vận càng quan trọng. Điều này đòi hỏi cần phải tiếp tục giữ vững kết quả, đổi mới phương thức để đạt kết quả cao hơn.

Ông Hoàng Trọng Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc góp ý, Lăng Cô là địa phương đặc thù, có nhiều người dân là công giáo. Để có thể thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phong trào thi đua phát triển KT-XH thì cần phối hợp với giáo xứ để triển khai các mô hình. Như tại Lăng Cô đã triển khai các mô hình “Giáo xứ không có hộ nghèo”, “Giáo xứ không có thanh niên hư hỏng, nghiện ma túy”… Khi người dân thấy được hiệu quả sẽ cùng đồng thuận, hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của địa phương.

Ông Nguyễn Chí Tài cho rằng, để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác dân vận vào phát triển KT-XH, trong thời gian đến, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các ban, ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng tham gia thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

“Các quận ủy, thị ủy, huyện ủy, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát động, đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với tiêu chí, số lượng. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, cá nhân điển hình tiêu biểu… để nhân rộng ra toàn thành phố”, ông Nguyễn Chí Tài nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG