![]() |
Hành khách thích thú khi trải nghiệm ca Huế trên chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” |
Giáp tết Ất Tỵ vừa qua, tuyến xe buýt liên tỉnh Huế – Quảng Trị đã được khai trương. Đây là nỗ lực lớn từ những cái “bắt tay” của lãnh đạo và sở ngành chức năng giữa hai địa phương.
Tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Huế – Quảng Trị (số hiệu tuyến số 18) này có cự ly 84km, điểm đầu ở bến xe phía Nam (quận Thuận Hoá, TP. Huế); điểm cuối là khu vực biển Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) và ngược lại.
Mỗi xe buýt hoạt động trên tuyến có 18 chỗ ngồi và 8 chỗ đứng. Thời gian hoạt động của tuyến từ 5h đến 18h hàng ngày. Doanh nghiệp (DN) khai thác tuyến xe buýt liên tỉnh này tại TP. Huế là Công ty CP Xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines. DN khai thác tuyến xe buýt tại tỉnh Quảng Trị (số hiệu tuyến 11) là Công ty TNHH xe Bus Quảng Trị.
Xe buýt Huế – Quảng Trị mà DN Phương Trang đưa vào khai thác là loại xe GAZelle B26 đời mới, với sức chứa 26 chỗ, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, trang bị camera, GPS, wifi, có thiết kế hỗ trợ người khuyết tật lên xuống. Giá vé tính theo lượt chuyến và theo từng chặng. Cụ thể dưới 10km, giá vé là 10.000 đồng; từ 10km đến dưới 30km là 20.000 đồng, từ 30km đến dưới 50km là 35.000 đồng, từ 50km đến dưới 70km là 50.000 đồng, từ 70km đến suốt tuyến giá vé là 60.000 đồng/người. Ngoài ra, xe buýt còn hỗ trợ giá vé ưu đãi cho đối tượng chính sách, người nghèo, khuyết tật… Với những ưu điểm trên, nhiều hành khách chọn đi phương tiện này, nhất là dịp tết Ất Tỵ vừa qua xe buýt Huế – Quảng Trị khá kín chuyến và kín chỗ.
Trong tuần đầu đưa vào khai thác, lãnh đạo bến xe Huế cho rằng, tính hiệu quả tuyến xe buýt Huế – Quảng Trị này phải chờ sau 6 tháng, hoặc 1 năm sau kể từ ngày vào hoạt động mới đánh giá. Tuy vậy, với loại hình xe buýt này, cách vận hành mới giúp người dân có thêm sự lựa chọn, tin dùng; nhất là hạn chế đi phương tiện cá nhân trong chặng đường ngắn, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…
Từ tuyến buýt Huế – Quảng Trị, không ít hành khách lại nghĩ tới các chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” giữa Huế và Đà Nẵng được khai trương vào ngày 26/3 năm vừa qua. Những chuyến tàu này không chỉ mang ý nghĩa chuyên chở, mà còn giúp hành khách được trải nghiệm những cung đường, thưởng thức đặc sản mỗi địa phương, xem biểu diễn ca Huế, áo dài…
Cách làm mới trên những chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” đã trở thành hình ảnh mang tính “nhận diện” cho loại hình dịch vụ vận tải kết hợp với du lịch trải nghiệm. Đến thời điểm này có thể nói, những chuyến tàu này đã hấp dẫn khách địa phương khi họ chọn lộ trình ngắn và thưởng ngoạn cảnh quan 2 thành phố du lịch.
Đầu năm 2020 đến nay, Huế và Đà Nẵng đã hình thành tuyến xe buýt liên tỉnh, nhưng không phải lúc nào các chuyến xe cũng đầy khách. Nhiều vấn đề đặt ra nhưng khách quan thừa nhận rằng, hiện nay hành khách không chỉ chọn tuyến buýt Huế – Đà Nẵng vì họ đang có nhiều sự lựa chọn, nhất là có dịch vụ vận tải tiện nghi, thoải mái và được đưa đón tận nhà…
Không riêng hoạt động liên kết tàu, xe mà nhiều lĩnh vực khác, việc “bắt tay”, hợp tác cùng phát triển giữa Huế và các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung là xu thế tất yếu.
Giao thông, vận chuyển hành khách là những mắt xích quan trọng nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế ở mỗi địa phương và liên vùng. Chuyện tàu xe, nhất là các tuyến xe buýt liên tỉnh là một tiện ích, đáp ứng yêu cầu giao thương, đi lại của người dân. Vấn đề đặt ra, mỗi tour tuyến, dịch vụ vận tải ra đời để “sống” lâu dài phải được “nuôi dưỡng” bằng những cách làm dịch vụ chất lượng làm hài lòng hành khách.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/tien-ich-khi-lien-ket-tau-xe-150762.html