Các công đoạn lắp ráp ô tô được tự động hóa

Những điểm sáng

Nhiều lần được tham quan Khu Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế (Kim Long Motor), chúng tôi ấn tượng công nghệ lắp ráp ô tô tại đây. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao đã tạo nên quy trình sản xuất khép kín, tự động hóa.

Từ khi đi vào hoạt động, Kim Long Motor đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của thành phố Huế. Tổ hợp nhiều nhà máy đã xuất hiện, có thể kể đến đó là tổ hợp sản xuất lắp ráp xe bus, mini bus, xe tải các loại, ô tô con; sản xuất chế tạo động cơ, cầu, hộp số nhà máy đột dập thân xe, cắt chassis; các nhà máy sản xuất công nghệ phụ trợ ngành ô tô, công nghệ bán dẫn…

Các nhà máy được trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất, lắp ráp đa dạng các phân khúc và chủng loại xe. Toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện tự động hóa, từ đó tạo ra sự đồng bộ và kết nối liên hoàn ở các xưởng, các khâu.

“Trong năm 2025, chúng tôi tiếp tục đưa vào vận hành nhà máy sản xuất lắp ráp xe tải; nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ; nhà máy sản xuất cầu xe và tổ hợp các nhà máy cơ khí…”, ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Kim Long Motor cho biết.

Không chỉ ngành công nghiệp ô tô, các ngành công nghiệp khác cũng đã ứng dụng tối đa công nghệ vào sản xuất. Tại Công ty cổ phần Dệt may Huế, các module phần mềm ứng dụng vào sản xuất đang được tiếp tục hoàn thiện. Điển hình như các module quản lý công đoạn cắt; module thiết kế chuyền; module xây dựng và quản lý linemap may; phần mềm quản trị sản xuất ngành dệt nhuộm; phần mềm quản lý sản xuất ngành sợi…

“Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam nâng cấp, phát triển phần mềm quản trị sản xuất sợi, áp dụng các phần mềm quản trị sản xuất của các khách hàng, nhà sản xuất thiết bị, tích hợp và liên kết dữ liệu các phần mềm phục vụ công tác quản lý”, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế Nguyễn Tiến Hậu chia sẻ.

Theo số liệu từ Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) thành phố Huế, đến thời điểm hiện tại, có 136 DN, chiếm 82,9% trên địa bàn KTT, CN đã ứng dụng việc chuyển đổi số vào một số khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán, kê khai thuế, ký số điện tử…

Đổi mới để tăng năng suất

Từ năm 2020-2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thẩm định và có ý kiến về công nghệ đối với 24 dự án đầu tư tại các KKT, CN trên địa bàn thành phố. Nhiều DN đã chủ động ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tự động hóa trong quá trình sản xuất và đạt hiệu quả tốt như: Tự động hóa trong dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai và cấp nước sinh hoạt tại Công ty cổ phần Cấp nước Huế; dây chuyền công nghệ sản xuất Bia của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam; công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô tại Kim Long Motor; công nghệ nghiền, đóng gói trong sản xuất xi măng tại Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương, quá trình tự động hóa của các DN trên địa bàn đang có những bước phát triển, các DN đã bắt đầu áp dụng công nghệ tự động hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý chủ yếu trong các ngành công nghiệp chế biến, dệt may và một số lĩnh vực sản xuất khác. Sự phát triển của các giải pháp phần mềm quản lý DN và các công nghệ số đã bắt đầu được áp dụng để tối ưu hóa quy trình và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Mặc dù vậy, việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn một số hạn chế. Việc sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao, chưa tạo được sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Nguồn vốn hỗ trợ chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố còn khó khăn. Ngoài ra, một số DN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng tự động hóa do nguồn lực tài chính và trình độ công nghệ còn thấp. Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa cũng là một yếu tố cản trở việc triển khai các giải pháp tự động hóa hiệu quả.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, thành phố đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số… phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điển hình như, Nghị quyết số 22 của HĐND thành phố; Kế hoạch số 311 và số 444 của UBND thành phố…

Các chính sách trên góp phần tạo điều kiện cho các DN về nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ, thương hiệu, hàng hóa và áp dụng hệ thống, mô hình, công cụ cải tiến trong quản lý hiện đại, kết nối khách hàng, tiếp cận thị trường mới, đồng thời tạo sức hút cho các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu sáng tạo… Từ đó nâng cao tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của quốc gia và địa phương.

Bài, ảnh: Lê Thọ