Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh. Ảnh: Ngọc Minh

Với những chuyển động gần đây, ông đánh giá như thế nào về diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố?

Thời gian gần đây, thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực, không chỉ giữ được nét cổ kính của hệ thống di tích Kinh thành Huế mà hạ tầng và không gian đô thị cũng không ngừng được chỉnh trang, mở rộng theo hướng xanh, sạch, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố xứng tầm đô thị di sản quốc gia. Trong đó phải kể đến Khu đô thị mới An Vân Dương với diện tích khoảng 1.818 ha nằm trên địa bàn quận Thuận Hóa, TX. Hương Thủy và huyện Phú Vang; Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn trên địa bàn TX. Hương Thủy với diện tích theo quy hoạch phân khu khoảng 512ha.

Hiện nay, Huế đang ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA) phát triển hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, đặc biệt là các DA hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông có tính kết nối và lan tỏa.

Một số DA trọng điểm tập trung tại khu A, khu B Khu đô thị mới An Vân Dương và các DA đầu tư xây dựng các khu đô thị mới… đang được đầu tư hoàn thiện với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm các tiện ích như, bể bơi, phòng gym, quán cafe, các lõi cây xanh, những tuyến đường dạo bộ, nhà câu lạc bộ, sân chơi trẻ em… tạo nên diện mạo xanh – đẹp và môi trường sống tốt hơn.

Ngoài ra Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đi vào hoạt động với khoảng 140 cửa hàng với các thương hiệu quốc tế và trong nước, gồm đầy đủ lĩnh vực: Siêu thị và bách hóa tổng hợp, thời trang, nội thất, điện tử gia dụng, khu vui chơi – giải trí mang đến chuẩn mực mua sắm và phong cách sống mới cho người dân địa phương.

Các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố trong tương lai, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về tiến độ cũng như sự tác động của một số DA điển hình?

Hiện nay, các DA về hạ tầng giao thông đang được triển khai đầu tư khá đồng bộ. Điển hình như, DA tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An. Đây công trình có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, điểm nhấn của đô thị biển trong tương lai, góp phần phá thế cô lập cho dải đất ven biển, góp phần tích cực vào công tác cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế biển, du lịch nghỉ dưỡng, hình thành các đô thị ven biển. DA cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương và tuyến đường Vành đai 3 hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian đô thị, khai khác quỹ đất lớn ở khu vực Hương Long, Hương Hồ,…  góp phần phân luồng giao thông, giảm ùn tắc cho khu vực nội đô.

 Hạ tầng đô thị Huế ngày càng khang trang

Những công trình này hoàn thành cơ bản sẽ đáp ứng được yêu cầu kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, tạo động lực và có tính chất lan tỏa, tạo không gian, động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị hoặc dân cư mới, là tiền đề mở rộng diện tích đô thị Huế; đồng thời khai thác hiệu quả các quỹ đất đã được quy hoạch hai bên tuyến DA, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách tỉnh; nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Những DA về hạ tầng đô thị như thế nào, thưa ông?

Bên cạnh hạ tầng giao thông, thành phố cũng đang triển khai đồng loạt các DA chỉnh trang hạ tầng đô thị lớn như: Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh); DA Cải thiện môi trường nước thành phố Huế,…  Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch.

Các DA khu đô thị mới, quảng trường văn hóa, công trình công cộng, trung tâm thương mại,… tại Khu đô thị mới An Vân Dương được đầu tư phù hợp với các tiêu chuẩn quy hoạch đô thị hiện hành, mang lại môi trường sống thoải mái và tiện nghi cho cư dân đã góp phần hình thành một khu vực giao thoa giữa các chức năng kinh tế, thương mại và dân cư, hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của toàn khu vực An Vân Dương đã và đang góp phần xây dựng Khu đô thị mới An Vân Dương và các khu vực lân cận trở thành một trung tâm kinh tế – xã hội năng động, phù hợp với định hướng phát triển đô thị bền vững; đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, mang lại một diện mạo mới cho khu vực, đồng thời hỗ trợ chiến lược mở rộng không gian đô thị của thành phố Huế; tạo điều kiện thúc đẩy giao thương và kết nối kinh tế với các khu vực khác cùng đóng góp vào mục tiêu phát triển đô thị bền vững và đồng bộ, hướng tới tương lai của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, một trong những dấu ấn của DA đô thị xanh là không chỉ hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, mà còn tạo ra “các điểm xanh”, cải thiện môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực…

Vậy, đâu là vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai các DA và giải pháp tháo gỡ của chúng ta là gì, thưa ông?

Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình triển khai các DA đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của thành phố. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 – 2025, Huế tiếp tục tập trung thực hiện các DA có khối lượng đền bù, di dời dân cư rất lớn như: Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương cùng các DA hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang đô thị khác.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ấy, thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý, tháo gỡ. Thành phố đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA; tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng DA.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư ban hành kế hoạch triển khai đối với từng DA, tăng cường phối hợp và có phương án hỗ trợ địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải xem công tác giải phóng mặt bằng đối với các DA đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đối với các DA đang triển khai chậm tiến độ, thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, xử phạt các nhà thầu chậm tiến độ, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quá trình triển khai thi công.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ (Thực hiện)