Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương (bên phải) trong trang phục áo dài truyền thống tại một dịp trao thưởng “Học sinh danh dự toàn trường” diễn ra ở không gian Quốc Tử Giám |
Từ buổi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đến lúc Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương, Đàng Trong và Đàng Ngoài đã trên 180 năm cách trở, cuộc sống của người dân Thuận Hóa vẫn tiếp tục phát triển theo dòng chảy luân hồi của văn hóa Đại Việt, nhưng bồi đắp vào đó còn có lớp phù sa của văn hóa Chăm, có những sáng tạo mới, khác với phương Bắc. Trang phục của người dân cũng biến đổi theo.
Christoforo Borri, một giáo sĩ đến Đàng Trong giai đoạn 1618 – 1622 (thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên), trong tập du ký viết bằng tiếng Ý “Tường thuật về sứ mạng mới của các cha dòng Tên tại vương quốc Đàng Trong” đã mô tả: “Xứ nầy có lối trang phục cho phụ nữ kín đáo nhất trong toàn cõi Ấn Độ… họ mặc năm sáu lớp lót màu sắc khác nhau… khoác ngoài là một tấm lớp áo the mỏng… tạo nên vẻ ngoài yêu kiều trang trọng”; “Trang phục của đàn ông thì ngược lại, chỉ là một tấm vải quấn quanh thân thay cho quần chẽn, phần thân trên mặc thêm sáu lớp áo dài rộng, nhiều màu sắc dệt bằng lụa mịn với phần ống tay như áo các Cha thuộc dòng Benedict”; “Học trò và thầy đồ là những người nghiêm trang, không ăn mặc sặc sỡ hào nhoáng là bao mà thường chỉ vận một chiếc áo dài đen bên ngoài những lớp áo khác”. Qua mô tả cho thấy trang phục Đàng Trong đã thay đổi so với Đàng Ngoài, đặc biệt đã có áo dài đen của nho sinh và thầy đồ.
Phan Khoang trong tác phẩm “Việt sử: Xứ Đàng Trong” cũng cho biết, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ đã khuyên chúa “bắt dân thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ quần màu đen, mặc quần màu nâu, đàn bà thì bỏ áo bốn thân bày yếm mà mặc áo năm thân gài khuy, bỏ tóc bao mà bối to, bỏ váy để mặc quần”.
Đến thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, cùng với việc tổ chức triều chính, chuyển dinh phủ thành đô thành, bộ áo dài ngũ thân đã hoàn chỉnh, được phủ chúa quy định thành trang phục tiêu biểu, ra lệnh người dân Đàng Trong áp dụng. Trải qua các biến động ngắn thời quân Trịnh chiếm đóng (1775 – 1786), thời Tây Sơn (1786 – 1801), trang phục Đàng Trong có thể có biến đổi, nhưng cơ bản vẫn nối tiếp cách thức áo ngũ thân thời Võ vương.
Huế đang từng bước khẳng định và lan tỏa giá trị độc đáo của áo dài |
Sau ngày về lại Phú Xuân, vua Gia Long muốn định lại trang phục đồng nhất trong nước, nhưng vẫn ngần ngại “sửa đổi phong tục cũng phải dần dần”. Phải đến năm 1826, vua Minh Mạng mới ra lệnh sĩ dân Quảng Bình “dùng kiểu áo mặc như sĩ dân từ sông Gianh trở vào Nam”. Năm 1827, nhà vua tiếp tục ra chỉ dụ “Nay các hạt ở Bắc thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục, là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian nghèo giàu không đều… tất nên rộng hạn cho ngày tháng… chuẩn cho đến mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829), nhất tề sửa đổi lại”.
Tuy vậy, gần 10 năm sau (1837), trang phục vẫn chưa thống nhất, nhà vua phải ra dụ quyết liệt: “Trước kia, đặc biệt xuống dụ cho đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam… lại cho kỳ hạn rộng rãi… mà có kẻ cứ theo tục cũ lỗi thời… Vậy hạn cho trong năm nay, cần phải nhất luật thay đổi cả, và khi sang năm mới, nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng”. Từ đó, áo dài Việt Nam sản sinh ở đô thành Phú Xuân trở thành quốc phục. Từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài trở thành biểu tượng về văn hóa của trang phục Việt, mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng trang phục toàn cầu.
Áo dài Huế trong một hoạt động cộng đồng |
Với Huế, áo dài mang một quá khứ vàng son, một kiểu cách riêng của vùng kinh kỳ. Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục, riêng ở Huế áo dài vừa là lễ phục, vừa là y phục thường ngày. Có một thời áo dài luôn gắn liền với người Huế. Trong cung, vua mặc áo dài khi đọc sách, ăn cơm…; phi tần cung nữ khi ngủ vẫn mặc áo dài. Ngoài dân gian, thầy đồ và học sinh đều mặc áo dài khi học tập; trong nhà người lớn mặc áo dài khi tiếp khách; khi đi chợ, bán hàng, ra đồng ruộng, chèo đò trên sông… người người đều mặc áo dài.
Tương tự cả nước, ở Huế áo dài nam ít thay đổi, nhưng áo dài nữ lại biến đổi theo thời gian, song cơ bản phụ nữ Huế vẫn bền bỉ duy trì tính kín đáo, trang nhã và đoan trang. Qua nhiều đổi thay, nữ sinh Huế vẫn ưa chuộng chiếc áo dài tím mơ mộng, áo dài trắng tinh khôi, như một cách để khẳng định mình là con gái Huế. Đến nay, trước vô vàn những kiểu áo dài được biến tấu thì hầu như phần đông phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng được sàng lọc qua thời gian, những chiếc áo dài vừa gợi cảm, nhưng vẫn kín đáo, tôn được nét đẹp tuyệt mỹ của đường cong cơ thể.
Thập niên 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài đã hồi sinh với diện mạo mới. Đặc biệt từ Huế, những lễ hội áo dài gắn với Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế bắt đầu từ năm 2000 đến nay đã đánh thức vẻ đẹp kiêu sa, đài các của áo dài. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tỉnh táo, áo dài vẫn chưa thực sự hồi sinh trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Đáng lưu ý, tuy áo dài nữ xuất hiện phổ biến, nhưng áo dài nam chỉ có mặt trong việc làng, việc họ, chủ yếu vẫn trong số người lớn tuổi. Giới trẻ Huế mới sử dụng áo dài trong các dịp cưới hỏi, trên các sân khấu nghệ thuật; hình ảnh chiếc áo dài nam vẫn còn vướng vất với quá khứ của một thời xưa cũ.
Gần đây, Huế đã từng bước khẳng định áo dài Huế là tài sản trí tuệ, có giá trị độc đáo trong di sản văn hóa Huế, quyết tâm xây dựng đề án “Huế – Kinh đô Áo dài”. Từ nhiều nỗ lực liên tục, ngày 9/8/2024 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL công bố “Tri thức may, mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Áo dài Huế chính thức được tôn vinh, khẳng định một dấu mốc quan trọng trong hành trình phục sinh áo dài ngũ thân Huế. Từ thành quả này, Huế đang tiến tới xây dựng bộ hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét trình UNESCO công nhận Áo dài Việt Nam, Áo dài Huế là di sản văn hóa thế giới.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/hanh-trinh-cua-ao-dai-ngu-than-149953.html