Dấu ấn đậm nét của đô thị Huế trong năm 2024 đó là công tác bảo tồn di sản; sự tăng tốc của của các dự án lớn, công trình trọng điểm. Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đạt tiêu chí đô thị loại I; đô thị Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV… là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự hiệu quả của chương trình phát triển đô thị.

Hệ thống đô thị Huế đang ngày một hoàn thiện. Ảnh: Ngọc Hiếu 

Từ hoàn thiện quy hoạch

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chính là nền tảng, cơ sở quan trọng để triển khai các nội dung về chương trình phát triển đô thị trong năm 2024.

Từ những quy hoạch này, trong quá trình triển khai, TP. Huế định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc mô hình của thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống… Quá trình phát triển của TP. Huế luôn có sự cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết 1/2000) tại các quận, thị xã đạt 100%; tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố khoảng 60%…

Đối với chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị, thành phố đã phê duyệt, triển khai kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị thị xã Hương Thủy, Hương Trà đến năm 2045; các địa phương triển khai điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn (hoặc điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị mới)… “Trong năm qua, nhiều dự án liên quan đến giao thông, hạ tầng đô thị được triển khai trên địa bàn, qua đó giúp diện mạo đô thị Hương Thủy khang trang hơn. Phát triển đô thị tiếp tục là chương trình quan trọng của địa phương. Do vậy, TX. Hương Thủy sẽ tập trung nguồn lực, hỗ trợ tối đa cho các dự án triển khai đúng cam kết”, Chủ tịch UBND TX Hương Thủy – ông Lê Văn Cường cho biết.

Đối với đô thị Chân Mây – Lăng Cô, thành phố cũng đã giãn thời gian thực hiện lập chương trình phát triển đô thị và nghiên cứu tiến hành song song với quá trình lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. “Thời gian tới, chúng tôi tập trung chỉ đạo, tranh thủ tối đa thời gian, các nguồn lực để hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và các quy hoạch tại khu công nghiệp để sẵn sàng cho công tác thu hút đầu tư, hoàn thành và triển khai các dự án”, ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp thành phố Huế thông tin.

Dự án cầu vượt biển Thuận An hoàn thành hứa hẹn sẽ giúp kết nối các đô thị vệ tinh. Ảnh: Ngọc Minh 

Mỗi giai đoạn là một dấu ấn

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Văn Phương, qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, Huế đều có ý thức giữ gìn và nâng cao vị thế cho đô thị. Đến bây giờ, Huế tự hào khi có hệ thống đô thị hoàn chỉnh. “Đô thị Huế phát triển qua từng giai đoạn khác nhau và dấu ấn trong từng giai đoạn không xung đột mà bổ trợ lẫn nhau. Huế đã có những bản quy hoạch kỹ lưỡng, theo “khung sườn” phát triển mới. Thông qua đó, hình thành nên các không gian phát triển cũng như không gian khoanh vùng bảo vệ khu vực di tích có nguy cơ xâm hại”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Với vị thế mới, công tác đầu tư phát triển đô thị vẫn luôn được thành phố quan tâm, đặc biệt là việc duy tu, sửa chữa, bảo tồn các điểm di tích xuống cấp; tạo cảnh quan đô thị, không gian xanh, hệ thống không gian cộng đồng, hướng đến đô thị xanh, sạch, đẹp.

“Hiện nay, các nghiên cứu quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó đáng chú ý là quy hoạch thành phố cũng như quy hoạch chung đô thị đã tích hợp được nhiều quy hoạch từ cấp Trung ương, vùng. Huế có nền tảng, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật mang tính định hướng lâu dài. Các quy hoạch cũng đã thể hiện đầy đủ không gian phát triển thành phố và các đô thị lân cận”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương chia sẻ.

Năm 2025, Chương trình phát triển đô thị, bao gồm cả Chương trình di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế cũng sẽ là một trong những chương trình trọng điểm của thành phố.

Lãnh đạo thành phố cho biết, thành phố tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án, nghị quyết đã được phê duyệt; thực hiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố, các quận, huyện, thị xã; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về phát triển đô thị và chuẩn bị các thủ tục đầu tư để triển khai các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị…

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ hoàn thành dứt điểm công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và tiếp tục lập các thủ tục để triển khai thực hiện giai đoạn 2 của đề án. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của đề án sẽ thực hiện tại 16 khu vực gồm: Hổ Quyền, Voi Ré, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu – Võ Miếu, lăng các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Gia Long và các di tích, địa danh khác…

LÊ THỌ