Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ 

Phản ánh rất nhiều ý nghĩa lịch sử

Nhắc đến chuông đồng thời Nguyễn không thể không nhắc đến quả đại hồng chung tuyệt đẹp ở chùa Thiên Mụ – cổ vật được xếp hạng Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Quả chuông được chúa Nguyễn Phúc Chu đúc để cúng chùa vào ngày 8/7 năm Canh Dần (năm 1710). Chuông cao 2,4m, trọng lượng 1.985kg. Quả chuông mang ý nghĩa sâu sắc ghi nhận việc nhà chúa cúng chuông cho nhà chùa, chứng tỏ trong quá trình mở cõi về phương Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu thu phục được dân chúng phần lớn theo đạo Phật, cần có một ngôi chùa lớn, một quả chuông chùa để hàng ngày được nghe tiếng chuông vang xa, cầu cho quốc thái dân an.

Theo GS.TS. Trịnh Sinh, Học viện Khoa học và Xã hội, chuông Thiên Mụ mang nhiều yếu tố mỹ thuật. Chuông khá đẹp về mặt trang trí hoa văn, trước tiên là ở bố cục theo các vành hoa văn chạy ngang và các đường gân nổi tạo ra các ô gần đường chữ nhật. Các biểu tượng bát quái, các chữ Đại Tự, hình rồng, phượng… được thể hiện đăng đối, thoáng đãng. Bên cạnh trang trí hoa văn còn có vẻ đẹp của nghệ thuật tạo tượng với cặp rồng đang đấu lưng vào nhau ở quai chuông với nét đúc tinh mỹ, đối xứng, thể hiện sự nghiêm trang.

 Du khách chụp ảnh đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ

Ông Sinh cũng cho rằng, những mô típ trang trí trên chuông Thiên Mụ phản ánh rất nhiều ý nghĩa lịch sử ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu đầu thế kỷ XVIII lúc đó: Các chúa Nguyễn đang “mang gươm đi mở nước”, đang thu phục dân địa phương và cả nhóm di dân từ Đàng Ngoài vào lập nghiệp. Vì thế, vai trò của Phật giáo là yếu tố tinh thần, vốn được mọi người dân lúc đó đều chuộng. “Chiếc chuông chùa Thiên Mụ to lớn thời đầu nhà Nguyễn đã là mẫu hình để ra đời nhiều chuông chùa khắp nước thời Nguyễn”, GS. Sinh nhận định.

Dù không phải là quả chuông lớn nhất, ấn tượng nhất nhưng đại hồng chung ở Diệu Đế quốc tự hướng mặt ra sông Đông Ba cũng có những dấu ấn độc đáo riêng. TS. Võ Vinh Quang, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, chuông chùa Diệu Đế mang những dấu ấn độc đáo, đậm nét và có giá trị lịch sử đối với xứ Huế, cũng như với hệ thống Phật giáo đất Cố đô xưa. Theo ông Quang, chùa Diệu Đế vốn là nơi gắn liền với kỷ niệm thuở thơ ấu của nhà vua Thiệu Trị. Bởi vậy, vị hoàng đế có tiếng uyên thâm, hay chữ Triều Nguyễn này đã gửi gắm tâm tình vào các văn bia, văn chuông do chính ngài biên soạn ở chốn “phúc trạch” – quốc tự Diệu Đế.

 Đại hồng chung trên đỉnh Bạch Mã. Ảnh: Đăng Tuyên

Do đó, bài văn chuông tuy không dài, nhưng ý tứ sâu sắc, điển tích điển cố uyên thâm, nhuần nhị. Đặc biệt hơn nữa, việc đúc chuông và biên soạn văn chuông chùa Diệu Đế còn để ghi dấu ngày lễ Tứ tuần đại khánh tiết của vua Thiệu Trị trên đất ngài sinh ra và lớn lên; đồng thời ghi dấu Bát tuần khánh thọ (lễ khánh thọ 80 tuổi của bà nội vua – Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang) cũng như tụng mừng cho gia đình hoàng tộc được “ngũ đại đồng đường” (một nhà có 5 thế hệ).

Tác phẩm nghệ thuật – nguồn sử liệu

Không riêng gì những quả chuông ở trong các ngôi cổ tự trung tâm TP. Huế, mà ở nhiều chùa làng xứ Huế cũng sở hữu những báu vật đại hồng chung quý giá, có nhiều giá trị về lịch sử và nghệ thuật.

ThS. Lê Thọ Quốc, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế – từng điền dã, nghiên cứu khá kỹ các đại hồng chung ở các chùa làng thuộc huyện Quảng Điền. Những thông tin về niên đại tạo tác đã giúp nhà nghiên cứu này có một cái nhìn vừa cụ thể, vừa toàn diện về vai trò và sự phát triển của Phật giáo trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng làng xã trải qua các thời kỳ, nhất là dưới thời Nguyễn.

Ông Quốc kể rằng, trong 11 ngôi cổ tự mà ông khảo sát ở Quảng Điền, các đại hồng chung vùng đất này có niên đại chú tạo từ năm 1799 đến năm 1944; trong đó, có một chuông được chú đúc dưới triều Cảnh Thịnh năm thứ 7 (năm 1799), còn lại hầu hết được chú đúc từ triều vua Gia Long đến triều vua Bảo Đại. Từ những nghiên cứu đó, ông Quốc khẳng định nguồn gốc các đại hồng chung ở các chùa làng huyện Quảng Điền khá phong phú. Nhiều chuông có nơi chú đúc chuông từ các địa phương miền Bắc, có chuông do gia đình cúng tiến, có chuông do chùa khác cúng tiến. Đồng thời, nhấn mạnh việc lưu giữ và khai thác thông tin từ chuông với tư cách là nguồn sử liệu gốc giúp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật và kỹ thuật của thời đại sản sinh ra nó”, ThS. Lê Thọ Quốc chia sẻ.

Nhật Minh