Các nghệ sĩ tái hiện ngày lễ đặc biệt đầu năm có từ Triều Nguyễn |
Trong sự háo hức chờ đợi của du khách, Lễ Thiết đại triều Nguyên đán được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tái hiện theo hình thức sân khấu hóa trong ngày đầu năm mới 2025. Chương trình được thực hiện như một sự kế thừa những giá trị nhân văn, tinh thần lạc quan đón năm mới từ các bậc tiền nhân.
Vào thời Nguyễn (1802 – 1945), Nguyên đán là một nghi lễ triều hội, tổ chức vào ngày mùng Một Tết với nghi thức thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thiết thường triều ở điện Cần Chánh. Đầu tiên là những nghi thức đại triều ở sân và bên trong điện Thái Hòa. Nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ.
Trong buổi lễ, các quan dâng biểu chúc mừng nhà vua một năm mới an khang. Vua sẽ ban ân thánh chỉ thưởng tiền và yến tiệc cho các quan dự lễ. Hai ống súng lệnh đặt ngoài sân điện Thái Hòa sẽ được bắn lên chào mừng năm mới. Lúc này, nhà vua lui về điện Cần Chánh để tiếp tục các nghi thức Nguyên đán. Tại đây, các hoàng đệ và hoàng tử nhỏ tuổi, các thân công sẽ lạy mừng vua. Sau đó là phần tuyên chỉ ban yến tiệc và thưởng xuân của vua…
Để tiện phục vụ du khách thưởng lãm, buổi lễ được dàn dựng tại điện Thái Hòa, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.
Vân Hải, một du khách từ Hà Nội chia sẻ rằng, dù đã tìm hiểu những nghi lễ này trước đó, nhưng khi được tận mắt chứng kiến tại nơi nó từng diễn ra, anh mới cảm nhận trọn vẹn sự trang nghiêm, ý nghĩa của những nghi thức cung đình xưa. “Thực sự là một trải nghiệm khó quên”, Vân Hải nói.
Không chỉ người lớn, nhiều bạn trẻ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho chương trình tái hiện này. Minh Anh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Những nghi lễ này không chỉ giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử mà còn khơi dậy trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây chính là cách nhắc nhở thế hệ trẻ về ý nghĩa sâu sắc của việc hướng về cội nguồn”.
Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Nguyễn Phước Hải Trung cho biết, lễ Nguyên đán với nghi thức thiết đại triều được thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa nhằm phát huy di sản vật thể và phi vật thể của Triều Nguyễn. Trung tâm đã nghiên cứu và tái hiện lễ thiết triều đầu năm dựa trên những tư liệu trong Đại Nam Thực Lục, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ… Nghi lễ cũng phần nào giới thiệu nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình xưa.
Dù lễ Nguyên đán không thể tái hiện nguyên bản do các nguyên nhân khách quan, nhưng thông qua các yếu tố dẫn chuyện, du khách vẫn có thể hiểu rõ về các nghi thức, cũng như “cảm” được những giá trị nhân văn ẩn chứa trong những thông điệp như lời vua ban: “Trẫm từ ngày nối nghiệp, nhận lấy mệnh trời; noi đức Hoàng khảo/Việc cần chánh lo liệu hết lòng/Việc trọng nông chuyên tâm hết mực/Đã định lệ Ban sóc, đã khuôn phép Tịch điền/Mà năm qua bão lũ liên miên/Lại còn thêm họa mầm dịch bệnh/Đã yên ủi tỉnh thành gặp thiên tai, lũ lụt/Đã ủy lạo mở kho lương cứu đói dân tình… Thu qua, đông tàn khép lại theo năm cũ/Xuân sang, Tết đến khai sáng khắp đất trời”…
Ngoài Lễ Thiết đại triều Nguyên đán, thời gian qua, Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đã tái hiện theo hình thức sân khấu hóa nhiều nghi lễ khác với những trình thức, nghi tiết thuở xưa, như: Lễ Ban sóc (lễ phát lịch mới), Lễ Truyền lô (lễ vinh danh tiến sĩ trong lịch sử); tái hiện thường niên Lễ Dựng nêu – Thướng tiêu (báo hiệu ngày Tết đã tới), Lễ Hạ nêu (đánh dấu kỳ nghỉ Tết kết thúc, chuẩn bị bước vào một năm làm việc mới) và Khai ấn cung chúc tân xuân… Đặc biệt, Lễ Truyền lô từng gây ấn tượng sâu sắc khi tái hiện trong Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 tại Ngọ Môn – trở thành biểu tượng của truyền thống hiếu học.
Đồng thời, nhiều nghi lễ lớn được tổ chức thành công như lễ tế Xã tắc, Nam Giao, đàn Âm hồn; lễ hội điện Huệ Nam, lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát… “Tái hiện các nghi lễ cung đình không chỉ là cách tôn vinh giá trị văn hóa mà còn đáp ứng yêu cầu bảo tồn Nhã nhạc – di sản phi vật thể của nhân loại, tại không gian diễn xướng nguyên thủy”, ông Trung nói. Mỗi lễ hội không chỉ gắn liền với di sản vật thể mà còn góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch độc đáo của Huế, đồng thời, mở ra cơ hội để thế giới tiếp cận di sản văn hóa Việt Nam qua lăng kính hiện đại, để trân quý và gìn giữ di sản cha ông.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/hoi-sinh-nghi-le-cung-dinh-149868.html