Thành phố này mà cũng có những ngày se lạnh. Tôi chậc lưỡi nhưng chợt nhớ ra bấc đã về. Công việc ở quán vẫn đều đều, thành thử tôi vô ý. Mà thời gian thì trôi vùn vụt về trước, mặc kệ con người ì ạch với gánh nặng tuổi tác chất chồng tụt lại phía sau. Chắc cũng đôi tuần nữa thôi tôi sẽ bắt đầu đóng cửa quán để chuẩn bị cho Tết. Hồi chúng tôi mới cưới, vợ tôi hỏi: “Thời buổi này mà quán ăn cũng nghỉ Tết à?” Tôi cười: “Cha dạy: Đồng tiền thì quan trọng nhưng không phải là trên hết”.
Vậy nên quán bún Huế của gia đình tôi mỗi ngày chỉ bán giới hạn một nồi nước dùng cố định. Không có ngoại lệ hôm nào nhiều hay ít, mà điều quan trọng là chất lượng trước sau như một của món ăn. Với phong vị chuẩn, quán của gia đình tôi là địa chỉ quen của không chỉ người Huế xa quê hương, mà dân thành phố sành ăn cũng thường tìm đến thưởng thức.
Cha tôi bảo: “Nấu ít nhưng đậm đặc, giữ nguyên bản vị. Con đừng ham chạy theo lợi nhuận mà đánh mất cái cốt túy gia truyền”.
Thật ra người khởi xướng quán bún để rồi sau này trở thành sự nghiệp chính của gia đình là mẹ tôi. Năm xưa ngoài quê lũ lớn thượng nguồn tràn về vỡ đê, cả làng cha tôi bị cuốn phăng ra biển. Người may mắn còn, nhưng gia tài sự sản tiêu tan. Cha mẹ tôi rời quê vào Nam đi tìm sinh kế. Gặp xe giang xe, gặp tàu giang tàu. Đường xa trôi nổi cuối cùng họ cũng đến nơi. Buổi đầu ai thuê gì cha mẹ cũng làm, khi tích được một khoản tiền làm vốn thì mẹ nấu nồi bún Huế rồi quảy quang gánh khắp nơi đi bán. Từ gánh hàng nhỏ, sau mấy chục năm gầy dựng, cha mẹ tôi có cơ ngơi nhà cửa và quán ăn ngay mặt tiền như hôm nay. Cha tôi bảo: “Dù sống xa quê, nhưng cái chất Huế vẫn nuôi sống ta hàng ngày”.
Bởi cái tình như thế mà cách năm cha lại thu xếp về quê. Dù quê bây giờ thật ra chẳng còn ai, chẳng còn gì; người ta lập làng mới với những con người mới. Nhưng chỉ cần đặt chân xuống đất Huế là cha lại rưng rưng. Cha đi khắp các con đường, tuyến phố thăm từng khóm trúc, bụi tre, ngắm từng ngôi nhà thâm nghiêm, trầm mặc. Cha bảo: “Huế mình rất trữ tình”. Cha thả bộ bên bờ dòng Hương giang, một làn gió từ sông cũng khiến cha ngây ngất dừng lại. Cha hỏi: “Con có ngửi thấy gì không?”. Sông thì có thể có mùi gì được. Thấy tôi ngơ ngác, cha cười bảo: “Mùi của đám mạ non”.
Sau đôi ngày ngoạn cảnh phố phường, thăm viếng đền đài, chuyến đi bao giờ cũng kết thúc bằng buổi tảo mộ dưới ánh hoàng hôn. Có lẽ bởi nằm trên đồi cao mà những ngôi mộ dòng họ dù xác đá rêu phơi nhưng qua thời gian vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi quét dọn, dẫy cỏ và thắp hương, cha chậm rãi nhắc nhớ về tổ tiên. Hai cha con ngồi đó cho đến khi chạng vạng thì xuống núi rồi gọi xe thẳng đến ga và lên tàu về xứ nắng ấm.
Khi chúng tôi về đến cũng thường là khi thành phố bắt đầu rục rịch tiễn dân tứ xứ về quê. Mẹ tôi đóng cửa quán từ sáng hăm ba và bắt đầu công việc dọn dẹp nhà cửa. Mẹ hay nhắc: “Hồi ở Huế, những đại gia đình thường ăn Tết sớm đến tận mươi ngày”. Sau này khi có vợ tôi về, mẹ bảo: “Chuẩn bị cho Tết cũng chính là cách ăn Tết, con ạ”.
Vợ tôi gái phố, đối ngoại thì hay, đối nội thì vụng. Hồi mẹ tôi còn sống, sau khi cơ quan cho nghỉ Tết, nàng cũng sốt sắng cùng vào bếp để phụ mẹ chồng biện bày. Với mẹ tôi, được sửa soạn cho Tết là niềm vui lạ lùng nên dù tất bật suốt cả tuần liền với hàng tá nguyên liệu nấu nướng, bánh mứt, cỗ bàn nhưng vẫn thấy bà rất thong thả, ung dung. Mẹ bảo: “Người nội trợ giỏi không chỉ biết thu hay vén khéo thôi, mà còn phải là người có thể thoải mái ngay cả lúc bận rộn”.
Có những hôm làm phụ bếp cho mẹ xong, vào phòng, vợ tôi bảo: “Mẹ kỳ công làm em đến phát sợ”. Nàng thao thao kể, các bà hàng ở chợ không thể bán cho mẹ bất kỳ món ăn nào. Mẹ tự làm mọi thứ từ bánh phục linh, bánh đậu xanh, bánh dừa, bánh thuẫn, bánh hạnh nhân. Mẹ gói bánh ít trắng, bánh ít đen, bánh lá, bánh bột lọc. Hàng loạt bánh mà để nhớ được tên thôi với nàng cũng là thử thách rồi. Huống hồ mẹ còn gói khéo và đẹp quá. Bày lên mâm xong có khi chẳng nỡ ăn. Tôi nghe một tràng, cười bảo: “Người Huế mà”.
Dù chỉ có tôi là con trai một nhưng ngay từ khi còn nhỏ, mỗi lần Tết đến lăng xăng vào bếp xem mẹ nấu nướng, mẹ đã ôn tồn bảo: “Người Huế mình chú trọng sự hài hòa giữa hình thức và nội tại kể cả trong món ăn. Chẳng những ngon mà còn phải đẹp và quan trọng là phù hợp với cách sống khỏe”.
Tôi hay chăm chú nhìn mẹ tỉa những rau củ làm dưa món thành những bông hoa. Những bông hoa sớm báo hiệu mùa xuân trong gian bếp nhỏ. Đến khi xếp ra đĩa, mẹ lại trang trí thành một nhành hoa đầy sắc màu sống động nên tôi cứ thích ngắm mâm cỗ mẹ bày. Dâng lên bàn thờ gia tiên bao giờ cũng đủ một mâm hoa quả, một mâm bánh ngọt, một mâm bánh mặn, một mâm thức ăn. Trong mâm thức ăn lại có món bát bửu và ngũ vị nhỏ. Mẹ còn lý giải nhiều nữa về cái lẽ hài hòa về phong vị, nhưng có lẽ vì tôi là đàn ông nên không quá để tâm. Thế giới của phụ nữ mới là thế giới thật đặc biệt. Mẹ tôi biết cách làm cho cuộc sống ý vị hơn từ gian bếp nhỏ của bà.
Khi mẹ mất đi, ngày Tết đến, vợ tôi cắt giảm dần những món trên mâm cỗ, nàng bảo: “Quá nhiều thứ bánh lại không ai ăn”. Cha tôi không nói gì, ông lặng lẽ ra sân ực một cút rượu. Thứ rượu dâu tằm mẹ tôi ngâm để ngày Tết mời khách đôi ba chung cho vui. Tôi nhanh đưa mắt nhìn vợ tôi, gắt lên; nàng giật mình bởi cái tính bộc trực. Mẹ tôi bao giờ cũng kín đáo hơn. Bà thanh tao và dè dặt. Như để sửa sai, vợ tôi pha một ấm trà ướp hoa mộc mời cha vào buổi sớm đầu tiên của năm.
Nhưng vẫn như vậy, nàng không tha thiết vào bếp nấu mâm cúng tất niên. Có lần gọi điện cho bạn, nàng ca cẩm: “Có quá nhiều thứ rườm rà mà mình đi làm suốt cả năm đã mệt bở”. Bạn nàng bảo: “Bây giờ dịch vụ họ làm món gì cũng có. Mâm cỗ Huế lộng lẫy nét xưa đến đâu thì cũng tích tắc là có ngay”. Với vợ tôi đó là một gợi ý gỡ thông rất nhiều bế tắc. Chỉ có điều cha càng lúc càng ít ăn. Tôi cũng không thật sự hiểu bên trong dáng vẻ trầm lặng, không buồn chẳng vui ấy cha đang nghĩ gì. Cha chỉ bảo: “Bây giờ người ta sống cho mình nhiều quá. Nên người đơn độc cũng nhiều hơn”.
Tôi không biết nói gì với cha bởi chính tôi cũng thấy mình lạc lõng, nửa mới mẻ nửa cũ xưa. Chỉ cha là vẫn vậy. Hôm tôi đóng cửa quán nghỉ Tết, cha bảo: “Con coi sắp xếp hành lý gọn gọn, đi về Huế với cha”.
Tôi hỏi: “Có thêm ai nữa không?”. Ý tôi là cha có cần tôi đưa đông đủ vợ con về lễ mộ dòng họ không nhưng cha lắc đầu. Cha bảo: “Quê dành cho kẻ biết thiết tha”. Trong kế hoạch Tết, vợ tôi và thằng con trai đang muốn ra nước ngoài du lịch.
Những ngày giáp Tết vé tàu xe khó mua, nhưng tôi cũng gắng tìm được hai chỗ ngồi ở toa ghế cứng. Cha bảo: “Không hề gì”. Bao giờ về quê cha cũng chỉ muốn đi tàu chậm. Lúc tàu chuyển bánh, cha nói: “Được về Huế lần này kể như cha chẳng còn hối tiếc gì”.
Dọc đường, cha trở nên vui vẻ và nói nhiều hơn. Cha hòa nhã hỏi những vị khách đi cùng toa rằng họ về đâu, quê quán ở đâu; khi bắt gặp có ai đó có cùng điểm đến thì ông gật gù, vẻ hài lòng: “Mình cũng về Huế”.
Rồi như chưa từng rời quê thấm thoát đã nửa thế kỷ, ông hòa vào những cuộc chuyện trò của những người đồng hương như thể ông vẫn hàng ngày sống ở đó, vẫn đón từng cơn bão, hứng từng trận lụt, tắm từng sợi nắng, chạm từng cơn mưa. Thấy ông quên cả nghỉ ngơi trên chặng đường xa, tôi lo lắng hỏi: “Cha có mệt không?”. Cha phẩy tay: “Không hề gì”.
Sáng sớm hôm sau tàu đến ga. Đoàn người lục tục xách hành lý đi xuống. Giữa tiết trời lạnh giá là những gương mặt cười. Ai cũng cái vẻ thoải mái và mãn nguyện khi được trở về cố xứ sau một năm dài vất vả làm lụng nơi đất khách. Kẻ đón người chờ, gặp nhau tiếng cười nói râm ran. Rõ ràng người ta đang vội vã đấy nhưng tôi vẫn có cảm giác sự vội vã đó rất chậm rãi. Tôi dìu cha xuống nhưng ông thung dung và hoàn toàn khoan khoái dù bên ngoài đang lất phất mưa phùn. Chúng tôi bắt xe vào phố. Người tài xế có chất giọng trầm dịu, bảo: “Chỉ mưa bóng mây thôi. Lát trưa tạnh trời sẽ ấm dần”.
Cha cười: “Ở Huế mình là vậy, sau bão lụt bao giờ cũng là ban mai”.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/chuyen-tro-ve-cua-cha-148960.html