Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm xanh là xu thế của thị trường hiện nay 

Kể từ hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 26 (COP26), Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (“net zero”) vào năm 2050. Với cam kết này, thời gian qua Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, như giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP với mức tối thiểu so với năm 2014 là 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050. Song hành cùng mục tiêu trên, Việt Nam cũng đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, sản xuất xanh.

Tại Thừa Thiên Huế, thời gian gần đây, tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế bền vững, từ việc mời gọi, thu hút đầu tư chọn lọc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; khai thác, sử dụng nguyên liệu hiệu quả, năng lượng tái tạo…

Tính đến thời điểm hiện tại, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đã thu hút hơn 170 dự án (DA). Trong số này, có không ít DA hoạt động với mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Dù vậy, cũng có nhiều DA chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), thậm chí có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Thực tế cho thấy, hoạt động công nghiệp để tăng trưởng xanh và sản xuất xanh dường như chưa có hình mẫu và đầu tư tốn kém. Phần lớn các mô hình công nghiệp theo hướng sản xuất xanh mới dừng ở quá trình tự tìm tòi, thử nghiệm. Để định hình, tổ chức, cơ cấu mô hình sản xuất xanh là điều không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay, nhất là khi nhiều DN đang so sánh lợi nhuận trước mắt. Đa số DN vẫn quan tâm nhiều hơn đến giá cả, tính an toàn của sản phẩm hơn là lợi ích cho môi trường chung của cộng đồng. Đây chính là rào cản, thách thức lớn nhất trong sản xuất xanh hiện nay. Hơn nữa, cơ chế tài chính hiện nay cũng là bài toán để các DN sản xuất xanh tiếp cận. Rất nhiều DN muốn tiên phong sản xuất xanh, nhưng do chưa đủ nguồn lực tài chính nên còn thụ động, đắn đo.

Dù vậy, trước yêu cầu xuất khẩu xanh, muốn xuất khẩu ra thị trường thế giới, DN phải có chứng chỉ sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chí về môi trường, buộc các DN xuất khẩu phải thay đổi nếu không muốn bị “loại khỏi cuộc chơi” trên thị trường quốc tế. Thế nên, rất nhiều DN ở các lĩnh vực dệt may xuất khẩu đã đổi mới công nghệ, lựa chọn nguyên liệu tái chế để sản xuất, nhằm từng bước khẳng định thương hiệu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh.

Bài, ảnh: Minh Văn